Tin tức - Sự kiện

Thành tích được Đảng và Nhà nước ghi nhận

Cập nhật: 09/07/2021 09:32:18
Số lần đọc: 1143
(TITC) - Trong suốt 61 năm hình thành và phát triển, ngành Du lịch luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ở mỗi thời kỳ đều xác định vị trí của Du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước phù hợp với yêu cầu cách mạng.

Huân chương Hồ Chí Minh

Từ năm 1960 đến 1975, ngành Du lịch ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước, khách du lịch vào nước ta theo các Nghị định thư. Ngày 09/07/1960 là một dấu mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch khi Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành Du lịch đã làm tốt nhiệm vụ tiếp quản, bảo toàn và phát triển các cơ sở du lịch ở các tỉnh, thành phố vừa giải phóng, lần lượt mở rộng, xây dựng thêm nhiều cơ sở mới. Hoạt động du lịch dần trải rộng ra các miền Tổ quốc. Ngành Du lịch bước vào xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ lao động, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn bị điều kiện chuyển dần sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về mặt kinh tế - xã hội, ngành Du lịch đã phát triển thêm một bước, hoạt động có kết quả tốt, đặt nền móng cho ngành Du lịch bước vào giai đoạn mới.

Giai đoạn từ 1990 đến nay, cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, ngành Du lịch đã khởi sắc, vươn lên đổi mới quản lý và phát triển, đạt được những thành quả quan trọng, ngày càng phát triển cả quy mô và chất luợng, dần khẳng định vai trò, vị trí của Ngành trong nền kinh tế. Đảng và Nhà nước có sự quan tâm sâu sắc đối với sự nghiệp phát triển du lịch nước nhà, thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng quan trọng, trong đó đáng chú ý là: Nghị quyết 45/CP năm 1993 của Chính phủ về “Đổi mới quản lý và phát triển ngành du lịch”, Chỉ thị 46-CT/TW năm 1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Lãnh đạo đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới”; Thông báo kết luận 179-TB/TW năm 1998 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trong tình hình mới”, Nghị quyết 92/2014/NQ-CP của Chính phủ về “Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới”; Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Huân chương Lao Động

Có thể thấy, các văn bản chỉ đạo ở cấp cao của Đảng, Nhà nước được ban hành vào những thời điểm quan trọng, nhằm tháo gỡ khó khăn, định hướng cho sự phát triển ngành Du lịch, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước. Đó là động lực quan trọng để ngành Du lịch vượt qua những khó khăn, thách thức, phát huy được tiềm năng, thế mạnh, phát triển ngày càng vững vàng, đóng góp ngày càng lớn vào kinh tế - xã hội đất nước.

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng của nhân dân, sự hỗ trợ quốc tế và đặc biệt là nỗ lực to lớn của toàn Ngành, ở tất cả các thời kỳ, ngành Du lịch Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đến nay, du lịch đã chứng tỏ vị thế, vai trò là một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP năm 2019, tạo ra hàng triệu việc làm, có tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Với những thành tích đã đạt được qua các thời kỳ, ngành Du lịch Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý nhất từ trước đến nay đối với Ngành. Cùng với đó là các Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Cờ Thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Cờ thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng nhiều danh hiệu thi đua xứng đáng khác dành cho các tập thể, cá nhân trong Ngành./.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT