Tin tức - Sự kiện

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm việc với Bộ VHTTDL về việc triển khai Luật Du lịch 2017

Cập nhật: 07/07/2021 09:23:46
Số lần đọc: 838
(TITC) - Ngày 06/7/2021, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTNTNNĐ) của Quốc hội về quá trình thực hiện Luật Du lịch giai đoạn 2017-2021.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTNNĐ của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cùng các lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đại diện Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã trình bày quá trình thực hiện, triển khai Luật Du lịch giai đoạn 2017-2021. Theo đó, trong thời gian vừa qua, cùng với sự ra đời của Luật Du lịch 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để du lịch Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục. Từ khi Luật ra đời cho đến thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2 lần, lượng khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch tăng hơn 1,7 lần.

Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp ngành du lịch chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19, du lịch quốc tế chưa mở cửa trở lại, du lịch nội địa liên tục chịu tác động hoãn, hủy sau 04 lần dịch bùng phát tại nhiều địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số khách du lịch nội địa đạt 30,5 triệu lượt khách, tổng thu đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, để đưa Luật Du lịch vào thực tế,  Chính phủ, Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Du lịch; xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch. Các hoạt động về lữ hành và quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số… đã được đẩy mạnh triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi làm việc

Tổng cục trưởng khẳng định, sự ra đời của Luật Du lịch 2017 là hành lang pháp lý vững chắc, tạo động lực cho sự phát triển của ngành. Du lịch được tạo môi trường thuận lợi để phát triển bền vững về mọi mặt. Đặc biệt khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam sau năm 2018 đã được cải thiện rõ rệt. Với kết quả đạt được, du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, khẳng định thương hiệu và chất lượng, góp phần nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Về một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Tổng cục trưởng nhấn mạnh cần tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành, kết nối doanh nghiệp và địa phương triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch nội địa; Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; Tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước và nước ngoài; Chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ khách khi du lịch trở lại hoạt động bình thường; Tăng cường triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch có hiệu quả, đảm bảo an ninh an toàn và bảo vệ môi trường…

Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn UBVHGDTNTNNĐ của Quốc hội đã trao đổi một số nội dung về hệ thống văn bản, mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, khai thác tài nguyên du lịch, công tác quy hoạch, kinh doanh loại hình lưu trú mới (mô hình chia sẻ, farmstay) và xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch, giải pháp khôi phục thị trường khách, nguồn nhân lực du lịch, hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết, việc ban hành Luật Du lịch 2017 là cơ sở pháp lý thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ VHTTDL, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã gặt hái được những kết quả rất đáng khích lệ, nhiều địa phương đã quan tâm, đầu tư phát triển du lịch. Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế trong công tác quản lý nhà nước. Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, nỗ lực đưa ngành du lịch phục hồi và phát triển trong thời gian tới./.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT