Thơm ngon chả nhái Hà thành
Làng Khương Thượng xưa vốn là vùng trồng lúa và nằm trong khu vực trũng của Hà Nội nên có nhiều lươn trạch, cua, ốc, ếch nhái. Nơi đây nổi tiếng với món bún ốc và chả nhái. Người làng Khương Thượng sở hữu bí quyết gia truyền để làm nên món chả nhái. Có gia đình làm nghề qua nhiều đời. Còn ở thôn Bãi Tháp, chả nhái trước đây là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình trong những ngày thiếu thốn.
Cách chế biến món chả nhái khá công phu. Để bắt nhái, người ta soi đèn tìm nhái trên đồng ruộng cả đêm. Mùa nhái kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Đây là lúc thịt nhái ngon và béo nhất. Để chế biến món chả nhái tươi ngon, sau khi làm sạch, xát muối và để ráo nước, người ta băm nhỏ, trộn thêm chút nước mắm, mỳ chính, hạt tiêu, ớt tươi, sả, hành khô cùng bột ngô hoặc bột mỳ và giã cho đến khi thịt nhái nhuyễn mịn, dẻo quánh. Trước khi ăn, người ta viên thịt nhái thành những miếng nhỏ, dẹt rồi thả vào chảo mỡ đang sôi, rán cho miếng chả vàng ruộm cả hai mặt rồi để ráo và bày ra đĩa. Cuối cùng là rắc lên trên một ít lá chanh thái chỉ hoặc vài cọng thìa là để miếng chả dậy mùi, trông hấp dẫn hơn.
Món chả nhái sẽ giảm vị ngon nếu không chấm cùng nước mắm pha giấm, đường theo tỷ lệ hợp lý cùng vài lát gừng tươi đập dập và ớt tươi bằm. Ăn kèm là các loại rau thơm và bún lá. Hương thơm, vị béo ngậy của miếng chả nhái hòa với vị thanh, chua, ngọt của nước chấm và các loại rau gia vị mang lại cho thực khách ấn tượng khó quên về một món ẩm thực dân dã của Hà thành.
Ngày nay, mặc dù đất đai đã bị thu hẹp, đồng ruộng không còn nhiều nhưng người dân làng Khương Thượng hay Bãi Tháp vẫn giữ bí quyết làm món chả nhái thơm ngon khó nơi nào sánh kịp. Nguồn nguyên liệu chính là nhái vẫn được các nơi chuyển về. Do đó, nhiều gia đình ở Khương Thượng vẫn sinh sống bằng nghề làm chả nhái. Còn với người dân Bãi Tháp, chả nhái luôn là món ăn ngon để thết đãi các vị khách quý từ phương xa.
Thủy Hương