Thu hút du lịch từ lăng thần Nam Hải đại tướng quân ở đất Mũi (Cà Mau)
Hình ảnh lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau luôn thu hút du khách. Ảnh: Văn Chương
Hay từ cách kể được câu chuyện
Từ phương xa đến với Cà Mau, nhiều người tò mò thăm lăng thần Nam Hải đại tướng quân. Nơi đây gắn với nhiều câu chuyện kỳ bí về cá cứu ngư dân bị nạn trên biển. Điều gây sự chú ý đầu tiên phải kể đến các vật được quấn giấy đỏ trên bàn thờ, giống từng đoạn xương của con khủng long thời tiền sử.
Một cảm giác huyền bí xen lẫn xúc động khi bước chân qua cánh cửa đầu tiên, nơi bao nhiêu ngư dân cứ cuối mùa lại đến bẩm báo với vị thần được phụng thờ chỉ là một loài cá trên đại dương.
Ở khắp các tỉnh miền Trung, từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng đều có lăng thờ thần Nam Hải đại tướng quân. Nhưng nếu không đọc tên trên cổng hoặc có người giới thiệu thì không thể nào biết. Còn lăng thờ thần Nam Hải đại tướng quân ở miệt biển Cà Mau thì có lẽ không cần đọc chữ, mà chỉ cần nhìn hình.
Ngay trên nóc và hiên trước của lăng có 2 chú cá heo rất lớn được chạm bằng xi măng. “Hai con cá này chạm đúng tư thế cá Ông lụy vô bờ và chờ ngư dân mang đi chôn cất” - ngư dân Đặng Văn Dũng cho biết.
Đối với ngư dân, cá Ông gắn với nhiều câu chuyện về độ mạng cứu người. Dân gian cho rằng, cá Ông là mảnh pháp y (áo choàng sau lưng) của Quán Thế Âm Bồ Tát ném xuống biển để cứu ngư dân gặp nạn.
Các chùa ở miền Nam thường khắc hình ảnh Quán Thế Âm ngồi trên lưng con cá rồng. Nếu tìm hiểu rộng thì chuyện cá Ông cứu người không chỉ có ở Việt Nam mà được ngư dân các quốc gia ở Nam Mỹ như Chi Lê, Argentina nhắc đến.
Nâng tầm giá trị tục thờ cá Ông
Cà Mau là nơi gần địa điểm phát tích câu chuyện cá Ông được vua Gia Long sắc phong là thần Nam Hải đại tướng quân. Đó là lần chúa Nguyễn Ánh bị quân của Quang Trung truy đuổi, khi thuyền chạy đến sông Giang Khẩu Soài Rạp nằm giữa 2 tỉnh Gia Định và Gò Công thì sóng gió nổi lên, trong khi chiến thuyền của quân Quang Trung gần áp sát. Chúa Nguyễn Ánh đã ngẩng mặt cầu trời.
Sóng gió ầm ầm, chiến thuyền của 2 bên đều bị đánh đắm, nhưng Nguyễn Ánh được cá Ông dìu vào bờ thuộc địa phận Vàm Láng, Gò Công. Sau này khi lên ngôi vào năm 1802, Nguyễn Ánh lấy hiệu là Gia Long, sắc phong cá Ông là Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần.
Nhưng ở phương Nam, cá Ông còn gắn với câu chuyện ngài Ja Aih Wa, dân tộc Champa từ Ma Lai quay trở về thì bị đắm thuyền, sau đó cá Ông đưa xác ngài đến khu vực Cá Ná, tỉnh Bình Thuận, được người Việt và người Chăm cùng chôn cất.
Không nơi nào ở miền Trung, lăng cá Ông được xây dựng quy mô và có cả người gác lăng, cả ngày lẫn đêm hương khói như ở lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Sông Đốc, tỉnh Cà Mau.
Trong khi nếu so sánh những câu chuyện như huyền tích thì ngoài chuyện cá Ông cứu chúa Nguyễn Ánh thì ở phương Nam không có nhiều câu chuyện hay về cá Ông cứu người như ở các tỉnh miền Trung.
Ngay tại khu vực nghĩa địa cá Ông ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành), ông Nguyễn Quý, một ngư dân kỳ cựu khi nhắc lại cá Ông đã lập tức tỏ vẻ sùng bái, nhắc chuyện được cá Ông cứu sống. Ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, nếu tới các làng chài từng làm nghề câu mực khơi thì nơi nào cũng gặp những nhân chứng kể chuyện cá Ông cứu mạng.
Lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Sông Đốc được xây dựng từ năm 1925, sau khi ngư dân địa phương phát hiện xác cá dài 20m trôi vào cửa biển Vàm Xoáy. Xương cốt cá sau đó được đưa về thờ ở Vàm Rạch Ruộng. Ở một số nơi, xương cốt cá Ông được xem là bí mật, nên cất trong hòm kín, không ai được xem.
Còn ở Cà Mau, xương cá Ông được người dân thờ phụng rất thành kính, bộ xương cá Ông loại nhỏ được phục dựng nguyên vẹn, đặt trong tủ kính. Còn bộ xương cá ông loại lớn thì từng đoạn xương sườn được quấn giấy màu đỏ, đặt trên bàn thờ.
Năm 2021, Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nếu so sánh thì nghĩa địa cá Ông ở xã đảo Tam Hải nếu được đầu tư, nhân lên giá trị thì nơi đây cũng sẽ trở thành một trong những điểm đến của du khách.
Văn Chương