Tin tức - Sự kiện

Thứ trưởng Lê Quang Tùng tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20

Cập nhật: 25/04/2020 18:31:57
Số lần đọc: 795
(TITC) - Ngày 24/4/2020, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20. Tham gia đoàn còn có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Nhất Hoàng, lãnh đạo các Vụ Hợp tác quốc tế, Thị trường du lịch, Khách sạn, Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20

Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Du lịch của 20 nước G20, 7 nước khách mời và đại diện 4 tổ chức quốc tế (UNWTO, OECD, ILO, WTTC).

G-20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn bao gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới (tính theo GDP, PPP) và Liên minh châu Âu (EU). G20 được chính thức thành lập từ năm 1999 và hiện đang chiếm hơn 90% nền kinh tế thế giới.

Trước đại dịch Covid-19 và tác động chưa từng có mà cuộc khủng hoảng toàn cầu này đang gây ra cho ngành du lịch, Chủ tịch G20 năm 2020 (Ả Rập Xê Út) tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Du lịch G20.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Du lịch của 20 nền kinh tế G20, 7 nước khách mời và đại diện 4 tổ chức quốc tế (UNWTO, OECD, ILO, WTTC)

Do tầm quan trọng của du lịch đối với nền kinh tế toàn cầu và tác động của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid đối với ngành, Hội nghị bàn về cách ứng phó của ngành du lịch và sự phục hồi sau khủng hoảng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng du lịch G20. Thứ trưởng đánh giá đây cơ hội tốt để các nước chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác, đề xuất giải pháp để cùng nhau vượt qua đại dịch, phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới.

Thông báo về tình hình phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, Thứ trưởng cho biết với tinh thần chủ động, không chủ quan trước dịch bệnh, Việt Nam đã sớm xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản ứng phó được chuẩn bị kỹ lưỡng. Quan điểm xuyên suốt là huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội, “lấy phòng dịch làm ưu tiên”.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng tại hội nghị

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với ngành du lịch - một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã triển khai những giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, người lao động, cụ thể:

Với các doanh nghiệp du lịch: Được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; được hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện; được giảm phí thẩm định Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế/nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và vay các khoản vay mới với lãi suất thấp để duy trì chuyển đổi hoặc mở rộng kinh doanh…

Với người lao động ngành du lịch: Hỗ trợ cho người lao động trong ngành du lịch bị mất việc hoặc tạm ngừng lao động số tiền từ 1-3 tháng lương cơ bản; tạm dừng đóng một số loại quỹ của bảo hiểm xã hội; điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp…

Thứ trưởng Lê Quang Tùng phát biểu tại hội nghị

Về kế hoạch phục hồi trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết ngành du lịch Việt Nam sẽ tập trung từng bước khôi phục lại các lĩnh vực dịch vụ liên quan trực tiếp đến du lịch như hàng không, vận tải hàng hóa… và tập trung thúc đẩy du lịch nội địa, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.

Việt Nam cũng sẽ nỗ lực tối đa hoá sự đóng góp của du lịch cho Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Thứ trưởng khẳng định, du lịch Việt Nam sẽ tập trung thực hiện quá trình chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập du lịch, tạo cơ hội mới trong tiếp cận thị trường, tăng hiệu quả hoạt động và thúc đẩy khởi nghiệp.

Việt Nam cam kết đồng hành cùng các đối tác quốc tế, đặc biệt là các nước G20 để cùng nhau hợp tác, phát triển du lịch theo hướng bền vững, phù hợp với Chương trình Nghị sự phát triển bền vững năm 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng bày tỏ sự tin tưởng với những nỗ lực không ngừng và những biện pháp tích cực nhằm ngăn ngừa dịch bệnh của các quốc gia, dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua đi và ngành du lịch thế giới nói chung, du lịch Việt Nam nói riêng sẽ phục hồi trong thời gian sớm nhất.

Hội nghị thông qua Bản tuyên bố chung về Covid-19

Kết thúc Hội nghị, Bản tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch G20 về Covid-19 đã được thông qua. Bộ trưởng Du lịch G 20 cam kết sẽ phối hợp với nhau để hỗ trợ ngành du lịch và hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia trong việc giảm thiểu tác động đến kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19. Để khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng, các nước cam kết đảm bảo môi trường du lịch an toàn, lấy lại lòng tin của khách hàng trong lĩnh vực du lịch, tăng cường hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế. Các nước cũng cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động trong ngành để thích ứng và phát triển trong thời kì hậu khủng hoảng; phát triển du lịch theo hướng bền vững hơn. Bộ trưởng Du lịch các nước G20 sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, kiến thức cũng như đẩy mạnh hợp tác giữa các chính phủ nhằm tăng cường khả năng ứng phó của ngành du lịch đối với những nguy cơ hoặc biến động trong tương lai.

Thực hiện: Truyền Phương - Thu Thủy

 

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT