Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn mới

Cập nhật: 22/02/2021 08:19:52
Số lần đọc: 701
Yêu cầu đặt ra về chất lượng nhân lực du lịch thời điểm này phải cao hơn, nhất là khi du lịch chuyển dịch nhiều sang công nghệ số và đòi hỏi nhiều kỹ năng mới trong quá trình phục vụ khách.

Chất lượng du lịch được quyết định bởi đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất, dịch vụ

Chuẩn bị nguồn

Tại hội nghị triển khai công tác ngành du lịch 2021, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, qua kết quả điều tra đến cuối năm 2020 vẫn còn khoảng 8.000 lao động cơ hữu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu tính cả lực lượng lao động ở một số đơn vị chưa lấy được thông tin, hướng dẫn viên, lao động theo thời vụ, hợp đồng ngắn hạn… thì con số này khoảng trên 13.000 người. Đây là một thiệt hại rất lớn đối với nhân lực du lịch. Điều này chứng minh thêm một điều là sự phục hồi của ngành du lịch chưa như kỳ vọng.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm được khó khăn trước mắt cho người lao động; cho các doanh nghiệp, để giữ được nguồn nhân lực có chất lượng, có kinh nghiệm. Nhưng vấn đề này vượt quá tầm tay của những người quản lý, doanh nghiệp, bởi việc giữ chân lao động là không thể khi bài toán kinh tế chưa thể giải một cách hiệu quả.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch phân tích, một điều đã được đánh giá, phân tích từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát, là ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch sẽ phải đối mặt với khủng hoảng nguồn nhân lực. Với tốc độ hồi phục ngành du lịch như hiện tại, việc thu hút trở lại lao động trong ngành sẽ thêm phần trở ngại. Nhưng nếu không chủ động chuẩn bị cho một giai đoạn mới và thiếu sự đón đầu tốt cho việc hồi phục thì sự bị động sẽ càng lớn hơn.

Hướng dẫn viên hướng dẫn khách tham quan lăng Tự Đức

“Hiện tại, ngành du lịch đã xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách tỉnh, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực. Hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ cho nhân viên các doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng nhân sự; đồng thời nâng cao nhận thức về quy định hoạt động, kỹ năng nghề trong xu hướng thay đổi của ngành, thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch”, ông Lê Hữu Minh nhấn mạnh.

Một giải pháp quan trọng và được đánh giá hợp lý vào thời điểm này, mang tính đón đầu là các doanh nghiệp đang phối hợp tích cực, chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trong tỉnh để đào tạo kép, đào tạo tăng thêm nguồn nhân lực để sẵn sàng đủ số lượng nhân lực khi doanh nghiệp khai thác khách bình thường trở lại…

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho biết, việc đào tạo theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp sẽ rút ngắn được khoảng thời gian thử việc; đồng thời đảm bảo cho doanh nghiệp sẵn sàng khi du lịch trở lại trạng thái bình thường mới. Việc đào tạo theo phương thức mới cũng giúp cơ sở đào tạo nâng cao được chất lượng, tăng các kỹ năng thực tiễn ngành du lịch đang cần mà lâu nay cơ sở chưa triển khai được.

Hội Lữ hành tỉnh cũng cho biết, thời gian qua, hội đã hợp tác với Trường đại học Du lịch để có các buổi thính giảng về hoạt động nghề nghiệp. Trong thời gian đến sẽ mở rộng toàn bộ các trường đại học, cao đẳng có nhu cầu về công việc du lịch sau này, chứ không riêng ngành du lịch. Đây là giải pháp để thu hút, mở rộng thêm lao động các ngành khác chuyển sang ngành du lịch nếu có đam mê, nhu cầu.

Chất lượng phải cao hơn

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa yêu cầu ngành du lịch, nhân lực du lịch trong giai đoạn mới không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong quá trình phục hồi ngành du lịch, mà phải được nâng cao chất lượng hơn. Làm sao đó khi khách đến sẽ thấy được nét riêng của Huế từ những con người phục vụ trong ngành du lịch, từ lĩnh vực lữ hành, lưu trú, dịch vụ và đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch. Tạo ấn tượng ban đầu để thu hút và giữ chân khách. Dù biết khó trong giai đoạn hiện tại, nhưng đó là vấn đề đặt ra và phải thực hiện.

Bên cạnh nâng cao chất lượng phục vụ theo xu hướng phát triển, thực tế dịch bệnh càng đòi hỏi lao động trong ngành cần chú trọng nhiều hơn các kỹ năng khi “đối đầu” với các sự cố trong du lịch. Trao đổi với các cơ sở đào tạo về du lịch trong tỉnh, quả thật, hiện tại vẫn chưa có các giáo trình, hay chương trình đào tạo những trường hợp đặc biệt như COVID-19.

Ông Lê Hữu Minh cho biết, để thực hiện nhiệm vụ “kép”, trong thời gian đến, sẽ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, tay nghề giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp,...; chú trọng hình thành đội ngũ lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Đây sẽ là lực lượng kế thừa có thể bổ sung thêm cho ngành đối với những bộ phận thiếu hụt về nhân sự du lịch. Dù thế, việc đào tạo phải gắn với sử dụng hợp lý nguồn nhân lực mới phát huy tối đa hiệu quả.

Lãnh đạo ngành du lịch thông tin, một yêu cầu mới và thời sự là những lao động trong ngành cần làm chủ được công nghệ 4.0 trong phục vụ, khai thác các sản phẩm mới, điều mà Huế còn thiếu và yếu. Do đó, phải gắn nội dung đào tạo với thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, cần cụ thể hóa, vận dụng vào kế hoạch đào tạo, chương trình giảng dạy thực hiện nhiệm vụ năm học của các cơ sở đào tạo. Nội dung đào tạo phải chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng tác nghiệp du lịch đặc biệt là trình độ ngoại ngữ tương ứng với nghề, tiếp cận với xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục