Hoạt động của ngành

Lấy Lý Sơn làm hạt nhân để phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh Quảng Ngãi

Cập nhật: 22/02/2021 08:27:30
Số lần đọc: 781
Đó là chủ trương thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Ngãi đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 thông qua; kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững của địa phương có nhiều lợi thế từ biển, đảo.

Toàn cảnh đảo Lý Sơn – Hòn ngọc giữa biển xanh

Tiềm năng phát tiển du lịch biển, đảo Quảng Ngãi trở thành loại hình du lịch chủ đạo

Nằm giữa hai đầu Tổ quốc, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây; đường cao tốc, sân bay Chu Lai, Quốc lộ 1A và sắp đến là đường ven biển nối liền dãi đất miền Trung sẽ giúp Quảng Ngãi rộng cửa đón chào du khách. Về cảnh quan, Quảng Ngãi có địa hình đa dạng với đầy đủ đặc điểm của vùng núi, trung du, đồng bằng ven biển, hải đảo. Từ xưa, Quảng Ngãi đã nổi tiếng với “Cẩm Thành thập nhị cảnh”; phía Tây có nền địa chất đặt trưng của núi rừng tạo nên những kỳ cảnh lặng lẽ tự bao đời như Thác Trắng, Suối Chí, Suối Trà Bói, núi Cà Đam... Khu vực đồng bằng là dòng chảy lịch sử với niềm tự hào vang vọng tiền nhân; Chứng tích Sơn Mỹ; Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Bệnh xá Đặng Thùy Trâm… chỉ là số ít trong nhiều điểm đến hút khách.

Đảo bé Lý Sơn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ

Bao cảnh, điểm đẹp, di tích liệt kê trên dù nổi trội nhưng không thể làm đầu tàu cho du lịch Quảng Ngãi. Mũi đột phá vẫn ở phía biển, nơi có hơn 130 km bờ biển trong xanh, sạch đẹp với nhiều bãi biển nổi tiếng như Khe Hai, Mỹ Khê, Đức Minh, Sa Huỳnh; vùng biển trải rộng trên 11.000 km2, ngoài khơi có đảo Lý Sơn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ kỳ vĩ. Bờ biển Quảng Ngãi đã được “truy vết” bởi những chuyên gia địa chất hàng đầu thế giới mấy năm qua, với sự am tường, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều vẻ đẹp hiếm có của bờ biển Quảng Ngãi, với nhiều bãi biển đẹp, nhiều thắng cảnh độc đáo cấu tạo từ địa chất núi lửa; cùng với đó, nguồn đầu tư đã, đang tập trung vào Lý Sơn và vùng ven biển Quảng Ngãi với quy mô lớn như đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; cầu Cổ Lũy; hạ tầng khu du lịch Sa Huỳnh, khu du lịch Mỹ Khê; Khu Du lịch Bãi dừa - Cocoland; Khu du lịch tâm linh chùa Thiên Mã… Tất cả mở ra nhiều tiềm năng cho du lịch biển, đảo trở thành lĩnh vực du lịch chủ đạo của Quảng Ngãi.

Cần thiết phải lấy Lý Sơn làm hạt nhân để phát triển du lịch biển, đảo

Lý Sơn với bao thế hệ người hướng về phía biển, nhắc đến hòn đảo này lại vọng bóng tiền nhân, những trai tráng tuân mệnh triều đình dong thuyền mở cõi Hoàng Sa, Trường Sa. Từng đình làng, dòng tộc trên đảo gìn giữ những bản sắc phong như báu vật. Tinh thần yêu biển của người Lý Sơn được kết tinh qua Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đó là quá khứ, còn hiện tại Lý Sơn có vị thế địa chính trị đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Người Lý Sơn luôn hướng về phía biển, phía những con tàu vươn khơi là Hoàng Sa, Trường Sa - một phần máu thịt thiêng liêng của tổ quốc.

Tài nguyên của Lý Sơn có cả thiên tạo lẫn nhân tạo và dĩ nhiên các tài nguyên ấy đều giữ nét riêng biệt không lẫn lộn. Du khách đến Lý Sơn nhiều năm qua bởi sức hút đặc biệt này. Về nhân tạo, đó là lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo oai hùng của cha ông với 07 di tích cấp quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh như ; đó là sản phẩm tỏi, hành Lý Sơn nức tiếng thơm ngon. Thiên tạo là các thắng cảnh có giá trị địa mạo, địa chất độc đáo hình thành từ sự phun trào núi lửa cách đây hàng chục triệu năm như Hang Cau; Hòn Đụn; Chùa Hang; Cổng Tò vò; Giếng Tiền; là hệ sinh thái biển đa dạng, đặc sắc với nhiều rạn san hô đẹp nguyên sơ tự nhiên. Bởi vậy, Lý sơn được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn nằm trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam.

Cổng Tò vò – Tuyệt tác của thiên nhiên

Hạ tầng du lịch của Lý Sơn đang từng bước hoàn thiện theo hướng phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ là trung tâm của sự phát triển. Còn hiện tại Lý Sơn có 133 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng, từ khách sạn, nhà nghỉ đến homestay cho du khách lựa chọn. Khoảng cách đất liền với Lý Sơn cũng đã rút ngắn chỉ còn 40 phút bởi những đội tàu siêu tốc. Trên bản đồ du lịch ngày nay, Lý Sơn đã có tên trong nhiều hành trình của du khách trong và ngoài nước. Do đó, có thể khẳng định rằng Lý Sơn là hạt nhân lý tưởng để thúc đẩy phát triển du lịch biển, đảo thành loại hình du lịch chủ đạo của tỉnh.

Để thực hiện chủ trương trên đạt kế quả, cần phải có các giải pháp quyết liệt và đồng bộ; trong đó: Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, nhận thức đầy đủ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa, nhân văn sâu sắc; chú trọng phát triển du lịch theo chiều sâu, tăng trưởng số lượng khách phù hợp với sức chứa điểm đến; nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Hai là, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch tại điểm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch.

Ba là, có định hướng chiến lược phát triển du lịch biển, đảo một cách bền vững với tầm nhìn dài hạn; chú trọng công tác quy hoạch và bố trí nguồn lực tương thích để đầu tư hạ tầng du lịch biển, đảo đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn hợp lý; trong đó cần thiết phải sớm đầu tư các đoạn còn lại để hoàn thành toàn bộ dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; đây là tuyến đường kim cương để kêu gọi các dự án đầu tư nghỉ dưỡng cao cấp dọc bờ biển Quảng Ngãi và tăng tính kết nối giữa Lý Sơn, hạt nhân du lịch biển, đảo của tỉnh với các khu du lịch ven biển.

Khu vực Hang Câu, đảo Lý Sơn với nhiều giá trị trầm tích độc đáo

Bốn là, định hướng phương thức quản lý sức chứa điểm đến hợp lý của Lý Sơn để cân bằng giữa khả năng, chất lượng phục vụ khách lưu trú trên đảo với sự phát triển bền vững và vai trò hạt nhân của Lý Sơn trong việc thu hút khách đến với các khu nghỉ dưỡng ven bờ đã, đang và sẽ hình thành.

Năm là, tiếp tục có cơ chế đặc thù hỗ trợ nguồn lực cho huyện đảo Lý Sơn để nâng cấp hạ tầng du lịch, chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng giao thông, cảng biển; trồng thêm nhiều cây xanh; cung ứng nước ngọt và giải quyết thật tốt vấn đề môi trường…

Kết lại, Quảng Ngãi là địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch; trong đó Lý Sơn thật sự là hạt nhân lý tưởng để phát triển du lịch biển, đảo thành du lịch chủ đạo. Chỉ khi quán triệt và làm tốt điều này thì du lịch Quảng Ngãi mới thực sự trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng quan trọng trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của quê hương núi Ấn sông Trà một cách hiệu quả.

Nguyễn Viết Vy

 

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ngãi

Cùng chuyên mục