Thừa Thiên Huế: Đón khách trong an toàn
Các doanh nghiệp đang áp dụng hình thức nghỉ dưỡng nửa ngày để phù hợp với nhu cầu của khách
Chuẩn bị tốt
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trong tỉnh; đồng thời ở các địa phương có dịch cũng đã từng bước khoanh vùng, dập dịch thành công. Do đó, ngay từ bây giờ, yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch Huế là cần có những chuẩn bị cần thiết để có thể đón khách trở lại trong tâm thế an toàn nhất.
Hiện, tâm lý còn lo lắng trước dịch bệnh vẫn chi phối nhu cầu đi du lịch của hầu hết du khách. Tín hiệu mới là trên các diễn đàn du lịch cho thấy, du lịch đang dần được “hâm nóng”, khi nhiều du khách đã bắt đầu đặt lịch đi du lịch, trong đó sẽ đến Huế trong tháng 9 này. “Ngay trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tới, các điểm đến trong tỉnh đã ghi nhận có khách đặt dịch vụ. Chính vì thế, sở đã có những yêu cầu đối với doanh nghiệp sẵn sàng các giải pháp để đón và phục vụ khách tốt nhất có thể”, ông Nguyễn Văn Phúc thông tin.
Để nắm bắt tình hình, chia sẻ khó khăn, đồng thời động viên doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng đón khách, ngày 25/8, lãnh đạo ngành du lịch đã có chuyến kiểm tra, khảo sát tại các cơ sở lưu trú. Thông tin từ các cơ sở lưu trú, hiện nay khách lưu trú sụt giảm nghiêm trọng, các đơn vị đã cắt giảm phần lớn lực lượng lao động, mức lương bình quân sụt giảm lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động.
Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, lãnh đạo Sở Du lịch đã động viên họ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn chung, đảm bảo cơ bản quyền lợi của người lao động theo pháp luật; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo quy định, nhất là công tác khai báo y tế đối với khách du lịch. Đặc biệt là đảm bảo cơ sở vật chất, có kế hoạch đảm bảo số lượng lao động… để có thể “tái khởi động” du lịch trong thời gian đến.
Theo Sở Du lịch, hiện du khách chưa thể đến Huế bằng đường bộ; đường hàng không cũng giảm tần suất chuyến bay. Vì vậy, ngành du lịch đang tập trung kích cầu du lịch bằng đường sắt. Khách hai đầu đất nước có thể di chuyển thẳng đến các địa phương không có dịch; trong đó có Huế. Hiện, ở phía Hà Nội đã có liên hệ và chuẩn bị kế hoạch đưa khách vào Huế trong thời gian đến.
Ngoài chuẩn bị đón khách đến Huế, các doanh nghiệp cho biết, đã sẵn sàng đưa khách ở Huế đi du lịch các địa phương. Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Kết nối Huế Nguyễn Ngọc An chia sẻ, chúng tôi đã liên hệ với các khách hàng đã hủy tour trong tháng 8 vừa qua. Điều vui mừng là đa số khách cho biết sẽ đặt tour ủng hộ doanh nghiệp khi các điểm đến đủ điều kiện an toàn.
Thu hút khách nội tỉnh
Hoạt động trở lại từ ngày 21/8, dù lượng khách nhiều như trước, song các dịch vụ ở Khu suối khoáng nóng Thanh Tân (Phong Sơn, Phong Điền) vẫn có khách. Tại các điểm nghỉ dưỡng khác, cũng ghi nhận có khách đặt phòng. Tất cả khách là người trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, lộ trình hồi phục của du lịch Huế trước mắt là tập trung khai thác khách trong tỉnh, sau đó, sẽ là khách nội địa. Bởi khách trong tỉnh nắm rõ tình hình an toàn của các điểm đến. Các điểm nghỉ dưỡng nằm riêng biệt nên phù hợp để khách lựa chọn. Yêu cầu đối với các điểm du lịch, đặc biệt là tại các điểm vui chơi giải trí là chỉ nhận khách theo nhóm nhỏ, gia đình.
“Ngành du lịch Huế sẽ tiếp tục triển khai chương trình kích cầu “Người Huế đi du lịch Huế”. Sở sẽ làm việc với các điểm du lịch, doanh nghiệp để có các gói kích cầu mới, kích thích người Huế đi du lịch như giai đoạn từ tháng 4 - 7/2020. Nếu có chính sách tốt, đáp ứng nhu cầu của khách, thì du lịch Huế sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn”, lãnh đạo Sở Du lịch nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp lưu trú, điểm nghỉ dưỡng cho hay, ngoài các dịch vụ đã được áp dụng, họ sẽ “tung” thêm dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng trong ngày. Du khách sẽ sử dụng các dịch vụ như tắm ở bể bơi và nghỉ ngơi trong vòng nửa ngày, được phục vụ một bữa ăn nhẹ và trà chiều. Dòng khách hướng đến là gia đình và khách trẻ tuổi vào các dịp cuối tuần. “Dịch bệnh nên khách sẽ thắt chặt chi tiêu, nhưng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí vẫn có. Do đó, hình thức nghỉ dưỡng nửa ngày là giải pháp được cho là thích hợp với tình hình mới”, một cơ sở lưu trú áp dụng dịch vụ cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, với tình hình dịch bệnh có nhiều chuyển biến, thay đổi theo hướng khó kiểm soát hơn, du lịch trong thời gian đến sẽ phát triển theo hình chữ V. Khi có dịch sẽ xuống, khi dịch được kiểm soát sẽ lên trở lại. Yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch là phải có tính chủ động trong các tình huống mới, nhất là linh hoạt hơn trong việc cung ứng dịch vụ phù hợp.
Bài, ảnh: Đức Quang