Thừa Thiên Huế: Đưa phiên chợ vùng cao thành sản phẩm du lịch độc đáo
Trải nghiệm tại phiên chợ vùng cao A Lưới
Bước đầu hút khách
Cuối tháng 5/2020, phiên chợ vùng cao A Lưới lại được tổ chức sau thời gian gián đoạn do dịch COVID-19. 23 gian hàng của các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã với nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản A Lưới, zèng, các loại nông cụ, nhạc cụ truyền thống, ẩm thực vùng cao… được trưng bày khá bắt mắt dưới bàn tay những người địa phương mặc trang phục thổ cẩm. Ở nhiều góc tại Trung tâm Sinh hoạt cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới – nơi diễn ra phiên chợ, nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa vùng cao, dân ca dân nhạc, giã gạo, trải nghiệm dệt zèng lôi cuốn du khách.
Khác với những phiên chợ trước đó, phiên chợ lần này thu hút đến 5.000 lượt du khách và người dân tham quan, mua sắm. Điều đặc biệt, trong số trên có hơn 50% là khách ngoài địa phương du lịch tham quan, trải nghiệm. Chị Trần Thị Mai, đến từ Quảng Ngãi, chia sẻ: “Đến Huế chơi và biết huyện A Lưới tổ chức phiên chợ vùng cao, tôi cùng gia đình tranh thủ lên A Lưới. Trải nghiệm phiên chợ này rất thích, không chỉ được mua sắm mà còn được khám phá con người, văn hóa địa phương”.
A Lưới không phải lần đầu tổ chức phiên chợ vùng cao mà đã hình thành những phiên chợ như thế vào những dịp lễ, tết, ngày hội văn hóa, festival. Đáng mừng là càng về sau, sức hút với khách du lịch tốt hơn nhờ gắn kết với các hoạt động văn hóa, du lịch, nhất là những trải nghiệm các hoạt động văn hóa cộng đồng và thời gian tổ chức thường vào dịp cuối tuần.
Theo ông Hồ Văn Ngoan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện A Lưới, sau giai đoạn dịch COVID-19, huyện A Lưới đẩy mạnh kết nối với các công ty du lịch lữ hành và quảng bá du lịch, trong đó thông tin về phiên chợ vùng cao được triển khai sớm nên lượng khách ngoài địa phương nhiều hơn. “Việc kết hợp tham quan du lịch và trải nghiệm phiên chợ trở thành sản phẩm mới và đánh trúng tâm lý du khách nên họ thích”, ông Ngoan cho biết.
Một gian hàng tại phiên chợ vùng cao A Lưới
Hình thành sản phẩm du lịch độc đáo
Tại nhiều địa phương trong nước, việc đưa các phiên chợ vùng cao trở thành sản phẩm du lịch độc đáo không phải mới. Có thể kể đến như phiên chợ Mường Quạ (Nghệ An), phiên chợ Bắc Hà, Cán Cấu (Lào Cai), chợ phiên Hà Lâu (Quảng Ninh) hay rất nhiều phiên chợ khác ở vùng Tây Bắc. Theo nhiều chuyên gia du lịch, những nét khác biệt về văn hóa, con người, đặc sản truyền thống, cách họp chợ đến những hoạt động văn hóa kèm theo khiến những phiên chợ ấy gợi sự tò mò, nhất là du khách bốn phương. Nhắc đến điều đó để thấy, phiên chợ vùng cao A Lưới có thể trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng: “Nếu nghiên cứu, đầu tư tổ chức hợp lý, phiên chợ vùng cao có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Vấn đề cần quan tâm là phiên chợ không chỉ mang tính thương mại mà còn kết hợp yếu tố văn hóa, du lịch, nên cần nghiên cứu kỹ để tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống. Cần lựa chọn sản phẩm đặc trưng của địa phương và cách bày biện theo đúng phong cách truyền thống. Cùng với việc tổ chức định kỳ, cần quảng bá thông tin sớm và rộng để du khách biết”.
Du lịch A Lưới khởi sắc hơn những năm gần đây nhờ điều kiện hạ tầng giao thông thuận lợi. Nhưng theo khách du lịch, nếu chỉ trải nghiệm các điểm đến tham quan, nhất là suối thác, du lịch cộng đồng thì A Lưới vẫn còn “nghèo” sản phẩm du lịch trên tiềm năng vốn có. Trái lại, nếu phiên chợ vùng cao được tổ chức tốt, gắn kết các hoạt động văn hóa, lễ hội thì không chỉ tìm đầu ra cho các sản vật địa phương mà hoàn toàn có thể hình thành sản phẩm du lịch mới.
Để hình thành sản phẩm du lịch từ phiên chợ vùng cao, phải có nhiều đổi mới hơn những lần tổ chức trước đó, theo hướng bài bản. Trong đó, phải quy hoạch địa điểm cụ thể, chứ không phải “mượn tạm” quảng trường Trung tâm Sinh hoạt cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới như lâu nay, đồng thời phải sắp xếp lại các hoạt động của phiên chợ và thời gian hợp lý hơn, để du khách trải nghiệm nhiều hơn với các bản sắc văn hóa truyền thống.
Ông Nguyễn Quốc Thạnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện A Lưới chia sẻ, huyện đã có kế hoạch quy hoạch không gian để tổ chức phiên chợ vùng cao với diện tích khoảng 1ha. Trên không gian này, dự kiến sẽ thiết kế các gian hàng mang tính kiên cố và không gian văn hóa đậm chất truyền thống để phát triển du lịch.
Điều cần quan tâm khác, nếu muốn hình thành sản phẩm du lịch độc đáo từ phiên chợ vùng cao, là phải xây dựng một phiên chợ sạch về môi trường, đẹp về văn hóa thì mới để lại ấn tượng cho du khách. Ngoài ra, theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, các điểm du lịch tại A Lưới vẫn còn cách xa nhau, việc xây dựng những phiên chợ tại trung tâm có thể trở thành những điểm nghỉ, dừng chân của du khách để kết nối những điểm khác. Song, để trải nghiệm phiên chợ trở thành sản phẩm du lịch và trở thành điểm kết nối trong sản phẩm chung về du lịch A Lưới, các đơn vị chức năng, các bên liên quan phải "ngồi lại" cùng các công ty du lịch lữ hành để kết nối tour tuyến, hình thành những tour du lịch mới và giữ chân du khách.
Bài, ảnh: Hữu Phúc