Non nước Việt Nam

Thừa Thiên Huế: Khánh thành Di tích lịch sử Quốc gia Khu ủy Trị Thiên

Cập nhật: 05/10/2022 14:36:51
Số lần đọc: 977
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã nêu bật vai trò quan trọng của Di tích lịch sử Quốc gia Khu ủy Trị Thiên Huế (phường Hương Vân, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) tại buổi lễ khánh thành công trình này sau hai năm tôn tạo, tu bổ.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (phải) cùng các đại biểu tham quan một cửa hầm nằm trong hệ thống địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

Để dự buổi lễ còn có các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở ban ngành, các nhân chứng lịch sử.

Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế được khởi công vào tháng 8/1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt. Địa đạo là nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Đặc biệt là các cuộc họp vào tháng 8 và tháng 10/1967, Thường vụ Khu ủy và Thành ủy họp để thảo luận, quyết định các phương án Tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968...

Năm 1997, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử) tiến hành khai thông địa đạo và phát hiện một số hiện vật như: bi đông đựng nước, máy khâu, xoong nồi, nắp bếp... Năm 1996, di tích này được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, đây là đợt tu bổ, tôn tạo bài bản nhất. Hy vọng rằng di tích sẽ là điểm đến di tích lịch sử, đóng góp thêm một địa chỉ đỏ cho vùng đất mang nhiều sứ mệnh lịch sử. Ông Phương cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Lịch sử tỉnh tiếp tục quảng bá cho du khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế biết đến di tích này. Ngoài ra, việc tu bổ, tôn tạo này chỉ là bước đầu, cần có những đề xuất để tiếp tục tu bổ hoàn chỉnh hơn nữa.

Việc tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Khu ủy Trị Thiên Huế bao gồm các hạng mục như tu bổ, phục hồi 3 cửa hầm địa đạo theo nguyên trạng bằng bê tông cốt thép; phục dựng, tôn tạo bếp Hoàng Cầm của Huyện ủy Hương Trà; phục dựng, tôn tạo hai hầm cảnh vệ số 1 và số 3.

Ngoài ra, xây dựng hệ thống giao thông hào bao quanh theo nguyện trạng, xây mới nhà bia tưởng niệm, dựng bia đá tự nhiên nguyên khối khắc chữ theo nội dung tưởng niệm của di tích, xây dựng chòi nghỉ chân, xây dựng đường dẫn lên địa đạo và vào các cửa hầm dài gần 500m, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, bể nước ngầm, hệ thống chống sét… Tổng kinh phí cho việc tôn tạo, tu bổ lên tới 6 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Nhật Minh

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Ngày đăng 05/10/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT