Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Lễ hội góp phần phục hồi du lịch

Cập nhật: 19/04/2022 12:37:04
Số lần đọc: 684
Dòng người nối nhau thành hàng dài cung nghinh, rước Thánh Mẫu đi qua các tuyến đường trung tâm TP. Huế tạo nên một đám rước đầy màu sắc, nhưng trang nghiêm, thành kính. Hai bên đường, du khách và người dân xứ Huế đứng theo dõi một cách chăm chú, bởi lẽ rất lâu rồi mới có một lễ hội như thế được tổ chức.


Tiết mục múa “Dâng bưởi tiến cung” trong Chương trình “Âm sắc Huế”. Ảnh: Đăng Tuyên

Sôi động trở lại

Một ngày đầu tháng 4, lễ hội điện Huệ Nam tái hiện cảnh rước bằng đường bộ như điểm nhấn báo hiệu sự phục hồi  cho các lễ hội sau thời gian dài yên ắng bởi dịch.

“Lâu lắm rồi đường phố Huế mới sôi động như thế!”, nhiều người dân đã thốt lên khi đoàn rước với trang phục truyền thống, đậm sắc màu đi ngang qua. Cứ thế đoàn rước kéo dài hơn 1 km, đi đến đâu cũng đón nhận được sự theo dõi một cách thích thú của mọi người. Nhiều người tỏ ra hào hứng, dùng điện thoại để ghi lại khoảnh khắc mà phải rất lâu rồi họ mới thấy lại.

“Phải hơn hai năm rồi mới có một lễ hội tâm linh có dấu ấn đường phố nên bà con ai cũng thu xếp để đi xem. Đúng là khi có lễ hội, không khí Huế khác hơn rất nhiều, náo nhiệt hơn, rộn ràng hơn”, bà Nguyễn Thu Hương (người dân phường Gia Hội, TP. Huế) hồ hởi. Cũng như bà Hương, hàng ngàn người dân đứng hai bên đường, kéo dài từ đoạn giữa đường Chi Lăng lên tận Nghinh Lương Đình với chiều dài hơn 3km để được đắm chìm trong không khí lễ hội. Sự chào đón nồng nhiệt này ít nhiều đã khích lệ, giúp các thành viên trong đoàn rước quên đi sự mệt mỏi.

Trước đó, nhiều lễ hội, sự kiện phải tạm hoãn hoặc không thể tổ chức, trong đó có lễ hội quan trọng làm nên thương hiệu của vùng đất Cố đô là Festival Huế 2020. Vì thế, sự trở lại của mùa lễ hội năm nay, đặc biệt là các chuỗi chương trình được tổ chức quanh năm, tạo nên một Festival Huế 2022 đang được không chỉ du khách mà người dân, những chủ thể của lễ hội trông chờ. Xa hơn đó là câu chuyện lễ hội đóng góp một phần quan trọng trong việc kích cầu, thu hút du khách trong và ngoài nước quay trở lại Huế du lịch, trải nghiệm.

Sau lễ hội điện Huệ Nam, những ngày giữa tháng 4 trùng với thời điểm nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương là giải VnExpress Imperial Marathon Huế 2022. Dù là giải chạy bộ, nhưng có thể xem đây như lễ hội với sự góp mặt của hơn 4.700 vận động viên và người nhà đến Huế tham gia, du lịch ít nhiều đã làm du lịch Huế trở nên sôi động hơn.

Rất nhiều người dân xuống đường theo dõi lễ hội điện Huệ Nam theo nghi thức rước bộ

“Món ngon” phục vụ du khách

Điểm nhấn của Festival Huế 2022 chủ yếu tập trung ở mùa hạ với chủ đề “Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển”. Đây là thời điểm thuận lợi không chỉ để tổ chức các lễ hội độc đáo, mà còn là cao điểm của du lịch. Vì thế, thông qua các lễ hội có thể đẩy mạnh kích cầu du lịch. Trong đó, phải kể đến các lễ hội đường phố, đêm nhạc Trịnh Công Sơn, lễ hội áo dài, lễ hội lân sư rồng quốc gia, ngày hội kinh đô ẩm thực…

Nói về việc tổ chức các lễ hội để kích cầu du lịch, ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho rằng, sự thay đổi này hướng đến tạo sự đa dạng, cũng như tạo điểm nhấn để kích cầu du lịch.

Thay vì gói gọn các lễ hội trong một tuần ở những kỳ festival trước, Festival Huế 2022 sẽ kéo dài theo từng chủ đề với từng mùa cụ thể. Bên cạnh các lễ hội quen thuộc được tổ chức các mùa xuân, hạ, thu thì điểm mới đó là lễ hội mùa Đông bao gồm Giọng ca vàng Bolero Huế, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan ca Huế; Wellness Festival – Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khỏe Huế, Festival Âm nhạc – Giai điệu mùa đông… Theo ông Đạt, với một chuỗi sự kiện, lễ hội mùa đông sẽ làm mới Huế, tạo nên tính mới lạ, độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Huế.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch ngay từ thời điểm này cũng đã lên kế hoạch cùng với các đơn vị tổ chức lễ hội để quảng bá đến du khách gần xa. Ngoài nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng, lễ hội sẽ tạo nên “món ngon” giúp du khách có những trải nghiệm thú vị hơn.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, sự trở lại của lễ hội Huế sẽ rất ấn tượng và hy vọng ghi dấu ấn thành công cho Festival Huế 2022 được tổ chức lần đầu tiên theo hướng bốn mùa. Bên cạnh các chương trình đặc sắc, để tạo nên được dấu ấn riêng của lễ hội vùng đất Cố đô là cả một quá trình tổ chức bài bản, uy tín. “Để làm được điều đó, ngoài sự quyết đoán, còn là kinh nghiệm và khả năng tổ chức”, ông Hải khẳng định và tin rằng, chuỗi các sự kiện, lễ hội trong Festival Huế 2022 được tổ chức bốn mùa sẽ trở thành một điểm đến, một thương hiệu mới cho Huế.

Bài, ảnh: Nhật Minh

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - https://baothuathienhue.vn - Đăng ngày 19/04/2022

Cùng chuyên mục