Hoạt động của ngành

Tiềm năng phát triển du lịch Cư M’gar - TP. Buôn Ma Thuột

Cập nhật: 02/12/2019 10:23:44
Số lần đọc: 1136
Huyện Cư M’gar có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nếu có “đòn bẩy” tương thích thì giấc mơ đưa ngành “công nghiệp không khói” này của địa phương trở thành thế mạnh kinh tế sẽ không còn xa…

Viên ngọc còn thô ráp

Cùng với lợi thế không quá cách xa TP. Buôn Ma Thuột (hơn 15 km) nên dễ dàng kết nối với các điểm đến quan trọng của tỉnh, Cư M’gar còn có cảnh quan đẹp và đa dạng. Trên địa bàn huyện hiện có 3 di tích danh lam thắng cảnh, trong đó có 2 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia.

Nằm ngay bên Tỉnh lộ 8, cách TP. Buôn Ma Thuột 12 km là đồi Cư H’lâm có khu rừng nguyên sinh rộng hơn 15 ha và được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2009. Đi xa hơn, còn có những thắng cảnh lưu giữ nhiều nét hoang sơ và hùng vĩ như những con thác Drai Dlông (thuộc địa phận của xã Ea M’droh và Quảng Hiệp), Drai Yông (xã Ea M’nang). Ngoài ra, huyện Cư M’gar còn có các di tích khác như dấu chân của Đam San trên tảng đá tại bến nước buôn Sah (xã Ea Tul), hồ Ea Yoong, núi lửa Cư M’gar (thị trấn Quảng Phú), rừng sinh thái Buôn Ya Wầm… khá đẹp và hấp dẫn.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, những nơi này từ lâu đã được biết đến là điểm tham quan và ngắm cảnh, nhưng chỉ giới hạn trong người dân địa phương, chưa có sự đầu tư để làm du lịch. 

Trong thời gian ngắn, khó có thể thăm, khám phá hết cảnh đẹp và thưởng thức những giá trị văn hóa đặc sắc của Cư M’gar. 24 dân tộc anh em cùng sinh sống đã tạo nên sự đa dạng với những giá trị độc đáo về văn hóa, lễ hội, trong đó nhiều lễ hội được phục dựng và duy trì đều đặn hằng năm. Bên cạnh đó, khách có thể đến thăm, tìm hiểu các quy trình dệt thổ cẩm ở xã Cư M’gar, Ea Tul, khám phá, thưởng thức ẩm thực của đồng bào Êđê, Tày, Nùng… Ngoài ra, Cư M’gar còn là vùng đất với những sản vật có giá trị cao về kinh tế như: cà phê, hồ tiêu, ong mật… Tất cả là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, văn hóa. 

Chờ “đánh thức” tiềm năng

Tiềm năng lợi thế đã sẵn có, vấn đề là đầu tư khai thác ra sao để đưa du lịch ở đây phát triển. Ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện cho biết, đã có không ít đoàn khách tự do cả trong nước lẫn quốc tế ghé thăm các thắng cảnh và trải nghiệm văn hóa ở đây, nhất là vào các dịp lễ hội, họ đều tỏ ra rất hào hứng.

Thế nhưng du lịch Cư M’gar vẫn chỉ dừng lại ở dạng tiềm năng, còn nghèo nàn về dịch vụ, hạ tầng chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển, giao thông từ trung tâm xã đến các điểm tham quan còn khó đi, nhiều thác nước đẹp, cảnh rừng hoang sơ, nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc hầu như chưa được khai thác để làm du lịch. Ngay cả thác Drai Yông (hiện đang được Trung tâm Quản lý Di tích tỉnh lập hồ sơ, hoàn thiện thủ tục để công nhận là di tích danh thắng cấp Quốc gia), thác Drai Dlông (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia) đã từng có rất nhiều đoàn đến khảo sát du lịch nhưng đến nay kết quả vẫn còn bỏ ngỏ. Khái niệm về “làm du lịch” vẫn còn khá mới mẻ với người dân nơi đây nên ý thức bảo vệ, gìn giữ các thắng cảnh này chưa cao…

Để thúc đẩy du lịch phát triển, trong dự thảo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025 huyện sẽ tập trung từng bước kiện toàn cơ sở vật chất, chú trọng tạo ra sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, đa dạng hóa các loại hình du lịch… Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, homestay. Đặc biệt khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân liên kết các tour, tuyến tham gia phục vụ khách du lịch như xây dựng tour du lịch với cà phê, trải nghiệm làm nông dân, du lịch ẩm thực, làng nghề… 

Để  tạo đà cho loại hình du lịch homestay phát triển, đáp ứng kỳ vọng của khách lưu trú, huyện sẽ có kế hoạch đào tạo bài bản cho các hộ dân làm du lịch về cách thức phục vụ, tổ chức phòng nghỉ, bữa ăn gia đình, cách trò chuyện cùng với khách, giới thiệu nét văn hóa địa phương đặc sắc của địa phương.../.

 

Nguồn: baodaklak.vn

Cùng chuyên mục