Hoạt động của ngành

Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên: Hoàn thiện cơ sở vật chất để thu hút khách du lịch

Cập nhật: 02/12/2019 09:45:50
Số lần đọc: 1013
Được xây dựng để trở thành một mắt xích quan trọng, trong tour du lịch kết nối Thường Xuân với các điểm đến khác trong tỉnh, nhờ vậy, trong vài năm trở lại đây, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Xuân Liên ngày càng được du khách biết đến. Tuy nhiên, để điểm đến này có thể trở thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, thì còn rất nhiều việc phải làm.


Khách du lịch khám phá tại Khu BTTN Xuân Liên.

Quy hoạch phát triển du sinh thái KBTTN Xuân Liên đến năm 2020, đã xác định, xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ và sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao. Dựa trên tiềm năng sẵn có của khu bảo tồn, các loại hình du lịch được hướng đến là du lịch sinh thái tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm, sinh thái kết hợp tâm linh, sinh thái kết hợp trải nghiệm văn hóa cộng đồng... Từ sự định hướng này, nhiều tuyến du lịch đã được xây dựng và đưa vào khai thác. Trong đó phải kể đến tuyến du lịch sinh thái lòng hồ Cửa Đạt, gắn với điểm dừng chân và thưởng thức ẩm thực tại Ngã ba sông Khao; tuyến du lịch sinh thái dưới tán rừng nguyên sinh và quần thể cây di sản pơmu, samu; điểm du lịch sinh thái thác Yên; điểm du lịch sinh thái thác Thiên Thủy

Căn cứ theo các tuyến, điểm du lịch, hạ tầng và các trang thiết bị phục vụ du lịch cũng bước đầu được đầu tư. Cụ thể, KBTTN Xuân Liên đã xây dựng tuyến đường đi bộ tuần tra, quản lý, chăm sóc, bảo vệ vườn thực vật (dài trên 5,3 km); tuyến đường từ tả ngạn đập Cửa Đạt đi Trạm kiểm lâm Sông Khao (dài 5,765 km); cùng một số tuyến đường dài khoảng 1 km, như đường từ Trạm kiểm lâm Hón Can đi Pù Gió (vào thác Thiên Thủy), đường vào thác Hón Yên... Bên cạnh đó, khu bảo tồn còn xây dựng Trạm kiểm lâm Cửa Đạt kết hợp cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ du lịch lòng hồ Cửa Đạt (gồm 1 nhà sàn có 4 phòng, vừa là nơi làm việc vừa là nơi lưu trú của du khách; 1 sân rộng phục vụ du khách ăn uống; 1 nhà nổi có 2 phòng); bến thủy nội địa hồ Cửa Đạt có diện tích sàn sử dụng 87m2; chòi quan sát, nghiên cứu tập tính và diễn thế động, thực vật tại ngã ba sông Khao. Ngoài ra, khu bảo tồn cũng đã xây dựng trung tâm đón tiếp khách du lịch (gồm 1 nhà sàn rộng 170m2 và 1 khu nhà khách có 4 phòng lưu trú khép kín); nhà quản lý, điều hành và công trình phụ trợ khu cứu hộ động vật tại ngã ba sông Khao...

Vì mới được đầu tư bước đầu, cho nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng các điều kiện và chất lượng phục vụ du lịch. Chẳng hạn, trung tâm đón tiếp du khách chưa có khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch và các ấn phẩm quảng bá, chỉ dẫn tham quan trong khu bảo tồn. Trong khi đó, khu vực hồ Cửa Đạt còn thiếu biển chỉ dẫn, bảng nội quy, biển cảnh báo an toàn, bãi trông giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, bãi thu gom xử lý rác thải, bến thuyền neo đậu và nhà chờ đón khách. Mặc dù đã có một số tuyến đường đi bộ dẫn vào các điểm tham quan, nhưng vẫn thiếu các điểm dừng nghỉ. Đồng thời, hệ thống điện, viễn thông, nhà vệ sinh, hệ thống biển chỉ dẫn an toàn, cảnh báo nguy hiểm tại thác Yên, thác Thiên Thủy, rừng nguyên sinh - cây di sản bản Vịn..., cũng chưa được đầu tư thỏa đáng.

Muốn hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Xuân Liên trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn, thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất thiết yếu, phải được đầu tư đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Trong đó, các khu đón tiếp khách, nhà hàng, khách sạn và khu cứu hộ động vật, cần được quy hoạch và xây dựng một cách bài bản, khoa học, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên. Cùng với đó là đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến giao thông nội bộ khu bảo tồn. Trong đó gồm cả đường ô tô và đường mòn phục vụ loại hình du lịch mạo hiểm, tham quan ngắm cảnh. Được biết, theo quy hoạch đã được xây dựng, thì trong khu bảo tồn sẽ có một tuyến đường ô tô dài 14 km, nối từ bến thuyền Cửa Đạt đến ngã ba sông Khao và sông Chu. Đồng thời, tuyến đường mòn có tổng chiều dài lên đến 81,9 km, gồm nhiều tuyến ngắn kết nối với các điểm tham quan. Ngoài ra, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, cấp - thoát nước, vệ sinh môi trường... cũng sẽ được đầu tư đồng bộ. Với sự định hướng cụ thể và đầu tư hợp lý, hy vọng tiềm năng du lịch Xuân Liên sẽ sớm được đánh thức và mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường./.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục