Hoạt động của ngành

Du lịch Quảng Ninh hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 29/11/2019 09:57:27
Số lần đọc: 1109
Ngày 27/11, tại “Chương trình giới thiệu, xúc tiến du lịch Quảng Ninh 2019” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội; hướng đến việc trở thành một trong những địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước và khu vực.


Đại diện tỉnh Quảng Ninh và doanh nghiệp ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, tỉnh Quảng Ninh có nhiều tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho du lịch, tuy nhiên chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có. Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã và đang không ngừng nỗ lực tập trung nguồn lực để phát triển ngành du lịch cũng như kêu gọi đầu tư vào ngành này.

Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ khai thác khoáng sản sang dịch vụ, trong đó có du lịch. Dự kiến tỉnh Quảng Ninh sẽ đón khoảng 14 triệu khách du lịch, trong đó có 6 triệu khách quốc tế, trong năm 2019.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ đón 15-16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu khách quốc tế, vào năm 2020 và đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 15 triệu khách quốc tế, vào năm 2030.

Quảng Ninh đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Tập đoàn Tư vấn BCG (Hoa Kỳ) tư vấn từ năm 2014; đề xuất những ý tưởng mang tính đột phá nhằm giải quyết những khoảng cách lớn nhất mà tỉnh đang phải đối mặt.

Nội dung của Quy hoạch tập trung vào giải quyết 7 vấn đề để thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Ninh, định hướng phát triển tại 4 vùng du lịch, đồng thời đã đề ra 8 nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch với 56 giải pháp, dự án thành phần.

Quy hoạch chiến lược về hạ tầng giao thông

Với quan điểm phát triển du lịch Quảng Ninh bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh, Quảng Ninh đã tập trung xác định các chiến lược đột phá về thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực và các chính sách quản lý nhằm giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thủy cho biết, tỉnh đã thu hút được hàng loạt dự án đầu tư mới, bắt đầu từ những dự án đầu tư hạ tầng giao thông như tuyến đường nối khu di tích nhà Trần, Đông Triều với khu di tích danh thắng Yên Tử; các dự án đường cao tốc Hải Phòng-Hạ Long; dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí-Bắc Ninh và đoạn đường Hạ Long-Mông Dương; dự án sân bay Vân Đồn và các dự án hạ tầng khu kinh tế Vân Đồn.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thực hiện 3 đoạn tuyến cao tốc gồm cao tốc Hạ Long-Hải Phòng; cao tốc Hạ Long-Vân Đồn và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương theo hình thức hợp tác công tư.

Hiện Quảng Ninh đang triển khai đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm như đường bao biển Hạ Long Cẩm Phả.

Tới đây, tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, hệ thống cầu Cửa Lục 1, 2,3 để kết nối không gian đô thị giữa thành phố Hạ Long với huyện Hoành Bồ…

Quy hoạch và hạ tầng giao thông được hoàn thiện đã trở thành tiền đề cho nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn tại Quảng Ninh, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long tại đảo Rều Bãi Cháy; Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu; Dự án Tuyến cáp treo và Khu du lịch tại Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Ngọa Vân-Hồ Thiên, huyện Đông Triều; Dự án Công viên Đại dương Hạ Long; Dự án Khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan tại thành phố Hạ Long; Dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả; quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long; khách sạn Sheraton Hạ Long...

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách liên tục được đổi mới và nâng cao chất lượng đã được đưa vào khai thác.

Toàn tỉnh hiện có 1.379 cơ sở lưu trú du lịch với 25.488 buồng, trong đó có 60 khách sạn đạt từ 3 sao trở lên; 45 cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; công nhận 91 điểm du lịch, 2 khu du lịch cấp tỉnh, 1 khu du lịch cấp quốc gia.

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho rằng sự có mặt của các nhà đầu tư chiến lược đã làm thay đổi diện mạo của Quảng Ninh về hạ tầng, dịch vụ.

Các doanh nghiệp đầu tư đã tạo ra sản phẩm kết nối phát triển du lịch lên tầm cao mới. Đối với lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất.

Nhà nước tạo hành lang pháp lý, còn doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò động lực thúc đẩy chính. Tỉnh Quảng Ninh đã tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi và điều này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển hơn nữa.

Diện mạo của Du lịch Quảng Ninh đổi khác nhanh chóng sau khi được các doanh nghiệp đầu tư. Số lượng cơ sở lưu trú tăng nhanh, với nhiều công trình khách sạn, resort 5 sao điển hình như FLC Ha Long Bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long), Vinpearl Resort & Spa Hạ Long tại Đảo Rều…; những tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế như Sun World Halong Complex với Cáp treo Nữ hoàng, Khu vui chơi trên đỉnh Ba Đèo, công viên chủ đề Dragon, công viên nước Typhoon…

Quảng Ninh đa dạng hạ tầng cơ sở hiện đại, đồng bộ, bởi có sự chung sức của những nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group, BIMGroup, FLC, Tuần Châu Group, CEO...

Du khách đến với Quảng Ninh cũng tăng nhanh với những luồng khách mới từ rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)... cho tới Anh, Pháp, Đức, Mỹ.

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thúc đẩy phát triển du lịch

Quảng Ninh đã triển khai đồng loạt 56 giải pháp, dự án thành phần để thúc đẩy phát triển du lịch giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến 2030.

Trong đó, tỉnh tập trung vào việc không ngừng tạo ra sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, đa dạng hóa thị trường khách du lịch; nâng cao năng lực quản lý và xây dựng đội ngũ người làm du lịch chuyên nghiệp, đạt chất lượng quốc tế.

Quảng Ninh tập trung tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và tổ chức hoạt động kinh doanh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tỉnh đã tăng cường ủy quyền cho Ủy ban Nhân dân các địa phương thực hiện công tác quản lý hoạt động du lịch, môi trường kinh doanh du lịch, đồng thời gắn trách nhiệm của các địa phương, doanh nghiệp vào từng lĩnh vực cụ thể.

Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến các nội dung và giải pháp, dự án thành phần để thúc đẩy phát triển du lịch; đa dạng hóa các nguồn lực đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch, như thành phố Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái.

Nhiều địa phương đã triển khai lập quy hoạch chi tiết các vùng, khu, điểm du lịch, đề án phát triển du lịch, như Hạ Long, Cô Tô, Móng Cái, Vân Đồn, Bình Liêu, Tiên Yên; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên vịnh Hạ Long, công tác quản lý khách du lịch lữ hành qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, công tác quản lý cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch.

Các ngành, địa phương chủ động nhiều giải pháp quản lý, đổi mới phương thức hoạt động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động du lịch; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trong hoạt động kinh doanh lữ hành, chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên du lịch.

Công tác quản lý Nhà nước đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh du lịch, đạt được nhiều kết quả./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục