Hoạt động của ngành

Thanh Hóa: Xây dựng môi trường đầu tư du lịch an toàn, hiệu quả

Cập nhật: 28/11/2019 15:13:52
Số lần đọc: 935
Xã hội hóa hoạt động du lịch góp phần nâng cao mức hưởng thụ của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách là cần thiết. Nhưng để thực hiện điều đó một cách hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, cần phải khơi thông được những “nút thắt”, “điểm nghẽn” đang tồn tại.

Câu chuyện mới nhất thuộc về nhà hàng Ponama trên đèo Mã Pì Lèng buộc phải thay đổi kết cấu, chuyển đổi công năng sau khi phát hiện không có giấy phép. Sự thay đổi bất đắc dĩ này không chỉ gây tốn kém tiền bạc, còn tạo ra sự bất bình trong dư luận, làm giảm hiệu lực, tính nghiêm minh của pháp luật.

Thời gian qua, các thành phần kinh tế tư nhân đang góp phần đáng kể hình thành nên những khu, điểm du lịch, giải trí trong cả nước, qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng cao của du khách. Nhưng rõ ràng cách tham gia của nhiều chủ đầu tư thì lại chưa phù hợp, nhất là dưới góc nhìn của pháp luật.

Có những khu điểm du lịch đầu tư kinh phí lớn nhưng khi mà du khách còn chưa kịp đặt chân đến thì đã phải đóng cửa vì dư luận phát hiện công trình đầu tư xây dựng trái phép.

Sự lên tiếng của cộng đồng dân cư nhằm tăng thêm kênh giám sát, kiến nghị, từ đó thúc đẩy trách nhiệm cao hơn của các cơ quan chức năng.

Nếu như có quy hoạch rõ ràng và cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của pháp luật thì đã hạn chế được sự lãng phí, cũng không tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư du lịch.

Dù biết sai nhưng vì sao nhiều chủ đầu tư vẫn chấp nhận mạo hiểm thi công các công trình, thay cho việc họ có thể thực hiện một cách đàng hoàng hơn?

Thông tin tại nhiều diễn đàn không ít nhà đầu tư phàn nàn là việc xin cấp phép vẫn còn những “nút thắt”; thái độ của một bộ phận cán bộ được giao nhiệm vụ khi xử lý công việc vẫn thiếu tạo điều kiện, hướng dẫn, giải đáp, nếu không muốn nói là có cán bộ còn gây khó khăn, vòi vĩnh doanh nghiệp.

Thậm chí có nơi cán bộ còn ỡm ờ, không cấp phép nhưng lại ngầm “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp thực hiện, mà điển hình là trường hợp nhà hàng Ponama như chủ nhân của nó đã thông tin trên báo chí.

Chắc chắn chẳng có chủ đầu tư nào muốn đánh liều với tiền bạc và uy tín của mình cả. Chỉ khi bị gây khó mới buộc họ phải chấp nhận làm liều.

Nguồn lực tài chính ở các thành phần kinh tế tư nhân là rất lớn, điều cần là phải tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, môi trường đầu tư minh bạch bằng việc làm tốt và công khai các quy hoạch trên địa bàn; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật ở từng lĩnh vực.

Chỉ có thế mới khơi thông “nút thắt”, kiến tạo cơ hội, thôi thúc khát vọng, để các chủ đầu tư chung tay cùng Nhà nước thực hiện xã hội hóa các hoạt động du lịch một cách an toàn và hiệu quả./.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục