Luống Nọi (Hà Quang – Cao Bằng): Nơi lưu giữ nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của người Tày
Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống ở Luống Nọi ra đời, tồn tại và phát triển cùng với quá trình phát triển của cư dân Tày ở đây. Hơn hẳn các nghề thủ công khác, nghề dệt thổ cẩm đã vượt qua giới hạn là nghề mang tính tự cấp, tự túc mà trở thành nghề sản xuất hàng hoá có uy tín trên thị trường.
Ở xóm Luống Nọi, bà Nông Thị Thược là một trong số những người tâm huyết với nghề dệt truyền thống và quyết tâm bảo tồn nghề truyền thống của gia đình, dân tộc. Gần 10 năm về trước, là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Luống Nọi, bà Thược luôn đau đáu làm sao gìn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống cha ông để lại.
Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Luống Nọi ngoài ý nghĩa kinh tế còn có ý nghĩa sâu xa về mặt bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc của người Tày. Nhờ có nghề dệt thổ cẩm phát triển mà những giá trị văn hóa liên quan đến làng nghề được bảo lưu như: tinh thần cố kết cộng đồng, truyền thống yêu lao động, đạo đức nghề nghiệp... Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm ở Luống Nọi là nhân tố chính góp phần làm nên sắc thái văn hoá làng nghề truyền thống của người Tày ở Cao Bằng, mặt khác, mô hình làng nghề của Luống Nọi còn được coi là mô hình làng nghề tiêu biểu ở vùng cao Việt Bắc mà các địa phương khác có thể học tập, noi theo.
Để làng nghề Luống Nọi ngày càng phát triển cường thịnh và trở thành địa chỉ quen thuộc của khách hàng gần xa, cần có những quan tâm, đầu tư phù hợp trong tổ chức lực lượng lao động, khen thưởng, khuyến khích nghệ nhân và tuyên truyền quảng bá rộng rãi về nghề dệt thổ cẩm ở Luống Nọi trong nước và quốc tế. Ngoài ra, cần tính đến các yếu tố hạn chế khác như vấn đề môi trường, an toàn lao động đặc thù.../.