Tiềm năng phát triển du lịch khảo cổ học của Ninh Bình
Thực tế cho thấy, đa số người Việt luôn có ý thức tìm về nguồn cội, mong muốn được khám phá những gì thuộc về truyền thống, lịch sử và ngay cả khách quốc tế cũng rất thích tìm hiểu nền văn hóa hàng nghìn năm của chúng ta. Tất nhiên, việc khai thác các điểm di tích khảo cổ học phục vụ du lịch cần có những tính toán thận trọng.
Nhiều di tích, di chỉ có giá trị
Trên cơ sở lịch sử địa chất lâu dài, đa dạng về địa hình, địa mạo là điểm giao thoa giữa các luồng di cư của động vật, thực vật theo hướng lục địa và biển và giữa các vịnh biển theo hướng Bắc - Nam đã làm cho Ninh Bình có một hệ sinh thái hết sức đa dạng.
Đây cũng là cơ sở cho sự xuất hiện sớm của loài người trên đất Ninh Bình, là tiền đề hình thành nhà nước. Hàng loạt những di tích khảo cổ học với những niên đại sớm, muộn khác nhau đã chứng minh cho nhận định trên.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cho biết: Lịch sử khảo cổ học ở Ninh Bình đến nay đã gần 1 thế kỷ.
Năm 1931, 1932, nhà địa chất kiêm khảo cổ học người Pháp bà Côlani đã phát hiện và nghiên cứu di tích hang Chợ Ghềnh; năm 1941 nhà khoa học người Pháp J. Fromaget khai quật tìm thấy răng gấu tre và 1 hoá thạch răng người vượn (Homo eretus) tại di tích Thung Lang, thuộc thành phố Tam Điệp.
Trước và trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới các nhà khoa học đã phát hiện và nghiên cứu trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử tại đây.
Sự phân bố của các di tích này hết sức đa dạng, phong phú, có những nhóm di tích ở trên các hang động, mái đá ở độ cao từ 70 -145m so với mực nước biển, có những nhóm di tích ở dưới, thấp từ 9 -10m và có những nhóm di tích trên cồn cát chỉ cao khoảng 4-5m.
Một số di tích được khai quật, nghiên cứu, phân tích và so sánh bởi các nhà khoa học trong nước và các chuyên gia khảo cổ học đến từ Nhật Bản và Anh quốc. Kết quả đã cho chúng ta những thông tin thật thú vị.
Có thể khẳng định rằng Tràng An là kho tư liệu đầy đủ, phong phú và nguyên vẹn về nhân loại thời tiền sử. Nó cho chúng ta biết về cách con người thời tiền sử di cư như thế nào, cách thích ứng những biến đổi lớn về môi trường như từ khí hậu khô lạnh sang nóng ẩm, từ môi trường lục địa sang môi trường hải đảo ra sao.
Chúng ta có thể khẳng định một truyền thống cư trú của con người tiền sử ở Tràng An, một truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài tới 30.000 năm.
Ngoài ra, trên đất Ninh Bình cũng còn nhiều di tích, di chỉ quan trọng khác ở các giai đoạn đồ đá, kim khí… và đặc biệt là những di tích khảo cổ học kiến trúc, lịch sử văn hóa đặc biệt liên quan đến Vùng đất Hoa Lư-Kinh đô nước Đại Việt thế kỷ thứ X.
Kết quả khảo sát, khai quật từ năm 1976 cho đến nay ở khu vực Cố đô Hoa Lư đã tìm thấy rất nhiều di vật, di chỉ có giá trị như: Một số nền gạch vuông có trang trí hoa văn, các viên gạch có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, “Giang tây quân”; các dấu tích nền móng kiến trúc của kinh đô Hoa Lư (xác định thuộc thế kỷ X).
Đẩy mạnh khai thác để phục vụ du lịch
Theo ý kiến một số nhà chuyên môn, với khối tài sản quý giá về hệ thống di sản khảo cổ ở Ninh Bình, hoàn toàn có thể quy hoạch, phát triển du lịch. Du lịch sẽ nâng tầm nhận thức về các văn hóa khảo cổ và ngược lại, các di chỉ khảo cổ học sẽ tạo sự hứng khởi, chiều sâu cho du lịch.
Tiến sỹ Ryan Rabatt, giảng viên đại học Queen, Vương quốc Anh, Giám đốc dự án nghiên cứu sự thích ứng của người Việt cổ tại Tràng An (Sundasia) nêu quan điểm: Những giá trị khảo cổ học ở Tràng An không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà còn mang tầm khu vực và thế giới. Các địa điểm khảo cổ học ở đây có thể được sử dụng để giúp thúc đẩy du lịch bền vững ở Ninh Bình.
Được biết, hiện nay, Ninh Bình đã đưa một số di tích khảo cổ học vào khai thác du lịch như khu khai quật phía Tây Nam bờ tường đền Lê (thuộc Khu di tích Cố đô Hoa Lư), Hang Đắng (Động Người xưa) thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Tuy nhiên, thực thế, do những hạn chế về nguồn lực đầu tư, công nghệ, hệ thống trưng bày, đội ngũ hướng dẫn viên… nên những địa điểm này chưa thực sự hấp dẫn du khách. Lượng khách du lịch tại các địa điểm khảo cổ học nói chung vẫn còn ít so với nhiều loại hình du lịch khác như du lịch giải trí, du lịch sinh thái...
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình khẳng định: Du lịch khảo cổ học với Ninh Bình là một lĩnh vực đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, để có cơ sở cho việc phát triển, cần thiết phải có nền tảng lý luận rõ ràng cùng với việc đánh giá đầy đủ các điều kiện cần thiết. Trên cơ sở đó làm cơ sở cho việc đầu tư đúng hướng, bài bản. Mọi hoạt động phải được tính toán thận trọng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới di sản.
Trước mắt, sẽ lựa chọn một vài điểm di chỉ nổi bật, gần các tour, tuyến du lịch có sẵn để đưa vào khai thác như: hang Mòi, hang Thung Bình, hang Bói, hang ốc…
Song song với đó, ngành cũng đang tập trung vào việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, am hiểu về điểm du lịch, đặc biệt là du lịch khảo cổ học để khi tiếp thị cũng như dẫn khách tham quan có khả năng truyền tải các giá trị của điểm du lịch, tạo sự hấp dẫn cho du khách.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng: thời gian tới rất cần tiếp tục mở rộng quy mô nghiên cứu, khai quật. Trên cơ sở các tư liệu khảo cổ và những nghiên cứu về đời sống sinh hoạt của cư dân cổ, chúng ta có thể dựng lại mô hình, làm những bộ phim sống động về đời sống của con người thời tiền sử thông qua ứng dụng công nghệ 3D… điều này chắc chắn sẽ thu hút khách tham quan./.