Tiền Giang: Bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của lễ hội
LỄ HỘI - DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Theo các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam sở hữu kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian vô cùng phong phú, đa dạng; trong đó tiêu biểu và đặc sắc nhất phải kể đến loại hình lễ hội. Có thể chia ra làm 4 loại lễ hội gồm: Lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo và lễ hội du nhập từ nước ngoài; trong đó lễ hội dân gian chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 90%).
Lễ hội dân gian đã tồn tại ở Việt Nam từ lâu đời và có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng thụ. Tại Tiền Giang, hiện còn các lễ hội như: Lễ hội Kỳ Yên (huyện Gò Công Tây), Lễ hội Nghinh Ông (huyện Gò Công Đông)...
Tại Tiền Giang có các lễ hội như: Lễ hội Chiến thắng Ấp Bắc, Chiến thắng Ba Rài, Lễ giỗ Tứ Kiệt (huyện Cai Lậy); Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng (huyện Cái Bè); Lễ hội Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (huyện Châu Thành); Lễ hội Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định (TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông); Lễ giỗ AHDT Thủ Khoa Huân (huyện Chợ Gạo)… và một số lễ hội truyền thống cách mạng khác.
Lễ hội tôn giáo là lễ hội thể hiện văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư, nhất là những người có đạo như: Nô-en, Vu lan thắng hội, Đại lễ Phật đản...
Theo Đề tài nghiên cứu một số loại hình văn hóa phi vật thể tại tỉnh Tiền Giang do nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh làm chủ nhiệm đề tài: Nghi thức lễ hội ở Tiền Giang có 2 dạng lớn: Lễ hội truyền thống có từ trong thời kỳ phong kiến và lễ hội sự kiện lịch sử có sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Chương trình (hình thức) thường có các lễ như: Lễ thượng thần kỳ; lễ thỉnh sắc; lễ an vị sắc thần; lễ tế thần nông và các miếu thờ; lễ chánh tế; lễ tế tiền hiền và hậu hiền; lễ đưa sắc thần…
Đối với lễ hội sự kiện lịch sử, cách mạng kháng chiến: Phần lễ thường có: Chương trình văn nghệ (có ý nghĩa đón khách và có ý nghĩa minh họa cho sự kiện lịch sử), tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, diễn văn của cấp ủy, chính quyền, phát biểu của đại diện các đoàn thể hay ban quản lý di tích (tùy theo sự kiện).
Tương tự, lễ hội tôn giáo cũng là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính ổn định thường niên, nhưng tập trung ở những người có đạo, thường là các ngày kỷ niệm trọng đại của các tôn giáo như: Đại lễ Phật đản, Vu lan thắng hội của Phật giáo hay ngày Lễ Phục sinh của Thiên chúa giáo...; những người có đạo thường cúng tại các nhà thờ, chùa để cầu bình an, may mắn…
Có thể nói, lễ hội không chỉ thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh các hình tượng thiêng liêng được định danh là các vị thần, những anh hùng lịch sử hay những người có công đức với dân tộc; mà còn thể hiện sức mạnh cộng đồng, là dịp để con người giãi bày những khó khăn, mong được thần linh giúp đỡ, chở che để vượt qua thử thách. Vì vậy việc bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội truyền thống trong đời sống hiện đại là rất cần thiết.
GÌN GIỮ, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ CỦA LỄ HỘI
Theo Đề tài nghiên cứu nêu trên, lễ hội ở Tiền Giang mang tính cộng đồng, là dịp biểu dương “vốn liếng văn hóa” và sức mạnh gia tộc, dòng họ, cộng đồng, tạo thêm niềm tin về tương lai. Lễ hội còn thể hiện sự sáng tạo văn hóa và hưởng thụ văn hóa, mang tinh thần dân chủ, có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị nhân văn, giá trị truyền thống và giá trị giáo dục cao.
Thật vậy, với ý nghĩa quan trọng của lễ hội, những năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý cũng như tổ chức các sự kiện lễ hội. Cùng với đó, đầu tư nhiều công trình văn hóa, tôn giáo gắn với các lễ hội của tỉnh. Theo đó, năm 2020 đã hoàn thành công trình trùng tu, tôn tạo di tích đình Tân Đông, huyện Gò Công Đông, với tổng mức đầu tư trên 2,71 tỷ đồng; tu bổ, tôn tạo di tích đình Mỹ Lương (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 7,97 tỷ đồng; tu bổ, sửa chữa các khu di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia (Rạch Gầm - Xoài Mút, Óc Eo - Gò Thành), với tổng mức đầu tư 2,53 tỷ đồng…
Theo Sở VH-TT&DL, trước khi tổ chức các lễ hội đều được xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn, thành lập ban tổ chức lễ hội. Ban tổ chức lễ hội xây dựng quy chế hoạt động, nội quy bảo vệ di tích, hướng dẫn nhân dân, khách tham quan vào hành lễ tại di tích; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, giữ gìn sự trang nghiêm, thiêng liêng nơi thờ tự…
Việc quản lý tài chính trong lễ hội chặt chẽ, công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích; nguồn kinh phí thu được từ lễ hội góp phần tái tu bổ di tích và tổ chức lễ hội hằng năm. Nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về vấn đề xã hội hóa trong công tác tổ chức lễ hội ngày càng được nâng cao, phát huy được vai trò chủ thể và năng lực sáng tạo giá trị văn hóa của cộng đồng. Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục được bảo tồn, phát huy; đặc biệt là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây” được thường xuyên quan tâm giáo dục cho các thế hệ gắn với tôn vinh những người có công với dân, với nước.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Văn Dũng cho biết: Đối với việc tổ chức các lễ hội, sự kiện lịch sử cấp tỉnh, cấp huyện đều thành lập ban tổ chức, nên các lễ hội được quản lý chặt chẽ và đi vào nền nếp, nội dung lễ hội phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên các hoạt động lễ hội đã được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện linh hoạt ở phần hội đảm bảo đúng chủ trương của Trung ương về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tiết giảm một số hoạt động văn hóa, thể thao…
Phần lễ vẫn chú trọng đảm bảo tính linh thiêng, trang trọng của nghi lễ truyền thống. Với vai trò là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các lễ hội ở địa phương, thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và tổ chức lễ hội truyền thống, nhằm phát huy các giá trị tích cực của lễ hội; trong đó chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn toàn bộ hoạt động của lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Tin rằng, với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, cùng tinh thần trách nhiệm cao của các ngành chức năng sẽ làm tốt hơn công tác quản lý lễ hội, góp phần phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
GIA TUỆ