Hoạt động của ngành

Hậu Giang: Phát triển đồng bộ thương mại - dịch vụ và du lịch

Cập nhật: 13/05/2021 10:20:36
Số lần đọc: 919
Nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố Ngã Bảy xác định ưu tiên đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân phấn đấu đến năm 2025 thành phố Ngã Bảy trở thành một trong những trung tâm thương mại, du lịch của tỉnh Hậu Giang.

Đề xuất mở rộng chợ trung tâm Ngã Bảy tới đây để phục vụ tốt hơn nhu cầu mua bán của người dân.

Vị trí nằm giữa nhiều trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A, quản lộ Phụng Hiệp, Đường tỉnh 927C…, thành phố Ngã Bảy còn là đầu mối giao thông thủy quan trọng của tỉnh và của vùng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cho địa phương, đặc biệt là phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch. Năm 2021, đề cương xây dựng Đề án phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch trên địa bàn thành phố Ngã Bảy giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt, nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển của thành phố trong 5 năm và 10 năm tới, nâng chất các loại hình dịch vụ, phát triển kinh tế theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch, xây dựng thành phố trở thành điểm đến lý tưởng, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Điểm thuận lợi là lĩnh vực thương mại - dịch vụ của thành phố có thời gian hình thành và phát triển đồng bộ theo hướng ngày càng hiện đại. Ngoài chợ trung tâm nằm tại phường Ngã Bảy, các chợ còn lại đã và đang thu hút được nguồn vốn xã hội hóa. Dù thời gian qua, tình hình mua bán có ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch Covid-19, nhưng trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ của thành phố được hơn 2.714 tỉ đồng, đạt 38% kế hoạch. Riêng tháng 4 vừa qua đạt hơn 688 tỉ đồng, tăng 85,3% so với cùng kỳ. Thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống đã dần thích nghi với thời gian phòng, chống dịch bệnh, cùng với các đợt ra quân, nhắc nhở, chỉnh đốn kịp thời của ngành chức năng góp phần ổn định hoạt động buôn bán, đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, buôn bán nước giải khát tại khu vực chợ Ngã Bảy, cho biết: “Dù mấy hôm nay nhiều thông tin diễn biến về dịch bệnh, nhưng sức mua ở đây cũng khá ổn định. Mua bán diễn ra bình thường nên tôi vẫn bán từ sáng sớm đến trưa mới nghỉ, chỉ khác là hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang cẩn thận như một thói quen không thể thiếu khi ra chợ, không đợi nhắc nhở để đảm bảo an toàn”.

Ngoài nhắc nhở công tác phòng chống dịch, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thành phố Ngã Bảy còn phối hợp với các ngành liên quan ra quân kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra tình hình diễn biến cung cầu hàng hóa và niêm yết giá cả các mặt hàng hóa thiết yếu tại chợ, siêu thị để đảm bảo bình ổn thị trường. Để hoàn thiện hạ tầng thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại hài hòa với giá trị truyền thống, đồng thời khai thác được những thế mạnh riêng của địa phương, ông Bạch Nhật Trường, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng thành phố Ngã Bảy, cho biết thêm: Nhiều đề xuất đưa ra để tạo bức tranh tổng thể về thương mại - dịch vụ gắn với du lịch bao gồm việc mở rộng chợ trung tâm Ngã Bảy, phát triển chợ đêm ẩm thực để tạo điểm nhấn, đồng thời hoàn thiện hạ tầng khu vực chợ nổi. Thu hút đầu tư khu thương mại - dịch vụ cao cấp, siêu thị cũng như các chợ truyền thống đang có nhu cầu mở rộng.

 Riêng lĩnh vực du lịch, thành phố Ngã Bảy khuyến khích mở rộng mô hình du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái. Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng thành phố Ngã Bảy, xã Tân Thành, Đại Thành với lợi thế có nhiều vườn cây ăn trái, người dân đã tự đầu tư thực hiện các hình thức du lịch miệt vườn và thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh như vườn chôm chôm Bảy Liễu, Chín Hùng, vườn dâu Phương Nghi, Thiên Ân… Song song đó, có người còn mạnh dạn đầu tư các điểm lưu trú theo hình thức homestay. Tuy mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, nhưng cũng là hướng đi cần thiết để tiến tới đa dạng các mô hình du lịch, tạo tiền đề cho sự kết nối, tạo điểm nhấn về du lịch của thành phố. Trong thời gian tới, để ngành du lịch ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bài bản và có hệ thống, điều cần làm trước mắt là phải thông các điểm nghẽn về giao thông, xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn về dịch vụ du lịch và nhất là kết nối hiệu quả với các dịch vụ đi kèm, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm, đặc sản của địa phương.

Bài, ảnh: T.NGỌC

Nguồn: Báo Hậu Giang

Cùng chuyên mục