Quảng Bình: Cùng đồng bào Bru-Vân Kiều làm du lịch
Từ khi Công ty TNHH thông tin và du lịch Nettin đầu tư khai thác du lịch tại bản Còi Đá và Khe Sung, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy), bà con Bru-Vân Kiều nơi đây đã bắt đầu "học" làm du lịch. Nhờ đó, các tiềm năng du lịch địa phương được đánh thức, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào cũng dần được nâng lên.
Vùng đất giàu tiềm năng
Bản Khe Sung và Còi Đá nằm trên tuyến Quốc lộ 9B, là nơi sinh sống của người Bru-Vân Kiều. Đồng bào nơi đây có một kho tàng văn hóa giàu bản sắc và được thiên nhiên ban tặng một phong cảnh hữu tình với đầy đủ hồ, khe suối và hệ thống hang động kỳ vĩ, tráng lệ. Trong đó phải kể đến hang Chà Lòi (hang Ðại tướng), hang Văn Công, hang Vân, hang Kiều, khe Nước Lạnh…Ngoài ra, nơi đây còn có đồng cỏ như trên thảo nguyên xanh mênh mông mà người dân bản địa gọi là "thung lũng tình yêu".
Đến với Ngân Thủy, khách du lịch sẽ được thăm hang Chà Lòi. Bên trong hang có hệ thống “măng đá” và thạch nhũ còn nguyên, sơ như: nhũ quả na, nhũ vân dạng ống màu trắng nõn, biểu tượng con voi, chùm đèn, giếng nước và dòng sông ngầm… Còn hang Văn Công được ví như một cung điện nguy nga lộng lẫy.
Vẻ đẹp bên trong hang Chà Lòi.
Bên trong có 7 cột thạch nhũ dựng lên đến trần hang, được tạo hóa chạm trổ đủ hình thù và hiện ra lung linh. Cuối hang là sân khấu được các lực lượng vũ trang tạo dựng trong những năm chống Mỹ để tổ chức hội họp và diễn văn công, văn nghệ.
Nói đến khe Nước Lạnh ở bản Còi Đá hẳn không ít du khách trong và ngoài tỉnh đã biết đến với cảnh đẹp hoang sơ nơi đây. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm khi tắm mình trong dòng nước suối mát lạnh, trong xanh, chảy len lỏi qua những khe đá và tận hưởng không gian yên bình cùng cảnh sắc tuyệt đẹp giữa những cánh rừng xanh nơi đại ngàn...
Đến với bà con Bru-Vân Kiều ở bản Khe Sung và Còi Đá, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu dân ca làm say đắm lòng người và thưởng thức ẩm thực của đồng bào với nhiều món ngon, độc đáo… Ngoài ra, vào tháng 10 âm lịch hàng năm, du khách còn được tham dự lễ mừng cơm mới nổi tiếng của bà con Bru-Vân Kiều.
Đổi thay nhờ du lịch
Cuối năm 2018, Công ty TNHH thông tin và du lịch Netin đã mở tour du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty cho hay: “Ngày đầu, tôi dẫn nhóm chuyên gia đi khảo sát để mở tour, dân bản nhìn tôi với ánh mắt lạ lẫm pha lẫn dò xét. Khi nghe tôi trình bày cách tổ chức du lịch khám phá, tuyệt đối tôn trọng cảnh quan thiên nhiên thì bà con hiểu và cộng tác tích cực”.
Hiện tour hấp dẫn với những trải nghiệm, như: khám phá hang động, tắm suối, ngủ lều giữa rừng, cắm trại trên thung lung tình yêu, tìm hiểu cuộc sống và thưởng thức sản vật của bà con. Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, công ty đã hỗ trợ cho bà con 40 triệu đồng, kết hợp với nguồn lực khác xây dựng 7 mô hình trồng cây ăn quả.
Chị Hồ Thị Lưu ở bản Còi Đá nuôi gà để cung cấp cho khách du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Ðảng ủy xã Ngân Thủy cho biết: “Từ khi có tuyến du lịch về đây, những tiềm năng của địa phương bắt đầu được đánh thức. Bà con cũng có thu nhập từ việc bán nông sản và hàng lưu niệm. Các lễ hội của đồng bào có thêm điều kiện phát triển”. Trung bình mỗi năm, bản Còi Đá và Khe Sung đón khoảng 1.000 khách du lịch, giải quyết việc làm trực tiếp cho 12 hộ gia đình tại địa phương. Các mặt hàng bà con sản xuất ra, như: gạo nếp than, sản phẩm từ đan lát, gà, lợn đều được với tiêu thụ.
Để phục vụ và phát triển kinh tế, du lịch, những năm gần đây, bà con Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy còn được hỗ trợ trồng lúa nếp than, xây dựng các khu vườn mẫu, phát triển chăn nuôi và nhiều công trình phúc lợi khác…
Gia đình chị Hồ Thị Lưu, ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy trồng 3,5 sào lúa nước hai vụ, mỗi năm cũng được gần một tấn lúa. Ngoài ra, chị còn nuôi bò và hàng trăm con gia cầm để phục vụ cho khách du lịch. Trong khu vườn mẫu, chị trồng trên 100 gốc tiêu và nhiều cây ăn quả. Bên cạnh đó, chị còn buôn bán, mở dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi phục vụ cho khách du lịch. Có tuần, gia đình chị đón từ 2 đến 3 đoàn khách du lịch lên đến hàng chục người. Với việc phát triển kinh tế đa dạng, mỗi năm, gia đình chị Lưu có thu nhập gần 100 triệu đồng.
“Từ khi làm du lịch, tôi đã học cách nấu ăn, nuôi thêm đàn gà kiến, trồng lúa nếp than để phục vụ cho khách. Nhờ đó, đời sống gia đình cũng ngày càng được nâng lên. Tôi cũng không còn phải vào rừng đốn gỗ nữa”, anh Hồ Vui, một người dân ở bản Còi Đá tâm sự.
Nhà anh Vui ở gần khe Nước Lạnh, nơi có nhiều khách du lịch đến thăm. Tận dụng lợi thế này, gia đình anh đã mở dịch vụ ăn uống, bán hàng tạp hóa nên thu nhập ổn định. Anh Hồ Văn Thìn, ở bản Khe Sung chia sẻ: “Mỗi khi có khách du lịch đến, tôi đều được Công ty TNHH thông tin và du lịch Nettin gọi đi khuân vác hàng hóa, hỗ trợ khách cắm trại. Tại nhà ở của mình, tôi còn làm “văn phòng” cho khách gửi đồ, nấu ăn và nghỉ ngơi…".
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho biết thêm, tiềm năng du lịch của địa phương là rất lớn nên xã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị muốn đầu tư, khai thác. Xã cũng sẽ hỗ trợ cho bà con tập huấn cách nấu ăn, chỉnh trang lại nhà cửa, vệ sinh môi trường, khôi phục các làn điệu dân ca, nhạc cụ và nghề đan lát truyền thống. Về kinh tế, xã sẽ vận động bà con phát triển trồng rừng, chăn nuôi, trồng thêm cây xanh và cây ăn quả; xây dựng các mô hình vườn mẫu, đầu tư thêm hệ thống cơ sở vật chất để làm du lịch theo hướng bền vững…
Xuân Vương
Nguồn: Báo Quảng Bình