Hoạt động của ngành

Hòa Bình: Huyện Cao Phong chú trọng bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch

Cập nhật: 17/05/2021 09:53:27
Số lần đọc: 1182
Có những lợi thế riêng của vùng đất Mường Thàng tươi đẹp, trù phú, còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều danh thắng, điểm du lịch được du khách biết đến. Huyện Cao Phong đã, đang chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển các loại hình du lịch.


Đền Thượng Bồng Lai, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) được đầu tư xây dựng thu hút du khách đến thăm quan chiêm bái.

Vùng đất Mường Thàng giao thông thuận tiện, không xa Thủ đô Hà Nội, địa hình đa dạng, chỗ núi non trùng điệp, lòng hồ mênh mang sông nước, truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời là những tài nguyên để phát triển du lịch. Trên địa bàn huyện đã có nhiều điểm du lịch văn hóa, tâm linh. Từ rất lâu, huyện Cao Phong đã quan tâm bảo tồn giá trị văn hóa vùng đất Mường Thàng và thủ phủ là xã Dũng Phong còn lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp. Sự tích "Vườn hoa núi Cối” là câu chuyện tình đẫm nước mắt và đẹp như trong mộng giữa người cô gái người xuôi lên làm dâu ở xứ Mường. Bản Mường Giang Mỗ bình yên, duy trì những giá trị văn hóa trong sinh hoạt, sản xuất của người Mường. Ở đây, bên cạnh khung cảnh thiên thiên tuyệt đẹp với những thửa ruộng bậc thang, những ngôi nhà sàn cổ truyền thống được xếp lớp. Người dân nơi đây vẫn duy trì những nét sinh hoạt truyền thống đan lát, thêu thùa mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách gần xa, là địa điểm lý tưởng cho những tour du lịch về nguồn, khám phá văn hóa cộng đồng. Các điểm du lịch trên tuyến đường Tân Phong (nay thuộc xã Hợp Phong) - Dũng Phong - Yên Lập - Yên Thượng (nay thuộc xã Thạch Yên); Khu căn cứ cách mạng chiến khu Thạch Yên, chùa Khánh, Quèn Ang cũng đang được đầu tư. Quần thể khu hang động núi Đầu Rồng nằm sát QL 6, thị trấn Cao Phong được phát hiện và đưa vào khai thác với 11 hang động kỳ thú, được hình thành từ hàng trăm năm trước được xếp hạng quốc gia. Kế bên là đền Thượng Bồng Lai được đầu tư đem lại chuỗi khám phá tâm linh cho du khách.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, duy trì các lễ hội nổi tiếng như: Lễ hội Đền Bờ (xã Thung Nai) diễn ra từ ngày mồng 7 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch; lễ hội Chùa Khánh (xã Yên Thượng) diễn ra vào mồng 5 tháng giêng âm lịch; lễ hội đền Thượng Bồng Lai (thị trấn Cao Phong) diễn ra vào ngày mồng 1 - 2 tháng 2 âm lịch. Tại các lễ hội đã tái hiện những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, truyền thống văn hóa lâu đời của người Mường Thàng. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng các hoạt động liên kết, đào tạo tập huấn cho người dân địa phương phát triển các loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống như phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Tiện, xã Thung Nai; xóm Mừng, xã Hợp Phong; xóm Khánh Rớm, xã Thạch Yên…

Trong thời gian qua, huyện Cao Phong đã thực hiện các nhiệm vụ vừa phát triển KT-XH, tăng cường quản lý hoạt động du lịch và phòng, chống dịch Covid-19. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đến thăm quan du lịch trên địa bàn huyện giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê của Phòng VH-TT, trong quý I/2021, huyện đón 30.000 lượt khách đến thăm quan du lịch, doanh thu đạt 4.500 triệu đồng, giảm 2.800 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đồng chí Bùi Yến Minh, cán bộ Phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết:Để thu hút du khách đến thăm quan, du lịch trên địa bàn, huyện chỉ đạo các cơ sở kinh doanh bình ổn giá và không tự ý tăng giá phòng. Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, quảng bá và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; tham gia các hoạt động giới thiệu, quảng bá Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình tại Hà Nội từ ngày 22 - 24/1/2021. Tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 tại các điểm hoạt động du lịch, di tích trên địa bàn... Huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tuyên truyền, khuyến khích người dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Khai thác tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, chú trọng đầu tư phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí, thể thao, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử và phát triển các lễ hội phục vụ du lịch...

Linh Trang

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục