Hoạt động của ngành

Lào Cai: Gìn giữ bản sắc văn hóa từ mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ

Cập nhật: 18/05/2021 08:30:18
Số lần đọc: 642
Việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ không chỉ góp phần giảm nghèo mà còn phát huy vai trò của phụ nữ trong giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, từ đó nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Sản phẩm của Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm đồng bào Mông xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) thu hút du khách.

Nhóm sở thích trồng lanh và dệt thổ cẩm xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa) được thành lập năm 2011, thường xuyên có khoảng 8 - 10 thành viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn tham gia. Mục đích của nhóm là tập hợp phụ nữ cùng sở thích để chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm dệt thủ công truyền thống. Những năm trước, do hạn chế về năng lực quản lý nhóm, ít sản phẩm phục vụ du khách nên hoạt động của nhóm chưa hiệu quả. Đến năm 2017, Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững” (SERD) do Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới tài trợ đã lựa chọn nhóm để triển khai các hoạt động hỗ trợ. Dự án đã tập huấn về quản lý nhân sự, tài chính cho người phụ trách nhóm, mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật may, sáng tạo thêm các mẫu sản phẩm mới. Dự án cũng hỗ trợ nhóm 50 triệu đồng mua 2 máy khâu công nghiệp, sửa chữa gian hàng trưng bày sản phẩm. Hiện các sản phẩm của nhóm đã sáng tạo hơn và có thêm nhiều mẫu mới phù hợp thị hiếu của du khách như vỏ chăn, túi, ví, quần, áo… Nhờ đó, hội viên phụ nữ trong nhóm có thêm thu nhập khoảng 1,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Chị Tẩn Thị Giả, Trưởng nhóm sở thích trồng lanh và dệt thổ cẩm xã Hoàng Liên cho biết: Nghề trồng lanh, dệt thổ cẩm truyền thống đã giúp phụ nữ tăng thu nhập gia đình. Nhóm cũng liên kết với một số đơn vị ở Hà Nội để sản xuất vải lanh, phục vụ thiết kế thời trang. Hy vọng những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn sẽ thấy hiệu quả của mô hình và tham gia nhóm để có cơ hội phát triển.

Tổ phụ nữ may, thêu thổ cẩm thôn Ngải Chồ (xã Y Tý, huyện Bát Xát) được thành lập năm 2017 với 25 thành viên. Từ khi được thành lập, tổ nhận được nhiều hỗ trợ của hội phụ nữ các cấp, trong đó phải kể đến sự hỗ trợ của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khi trao tặng 23 chiếc máy khâu có tổng giá trị 46 triệu đồng và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Yên tâm và hào hứng với công việc vốn đã quen thuộc, các thành viên Tổ phụ nữ may, thêu thổ cẩm thôn Ngải Chồ đã khéo léo, sáng tạo ra những sản phẩm thổ cẩm tinh tế.

Chị Hầu Thị Dù, thành viên Tổ phụ nữ may, thêu thổ cẩm thôn Ngải Chồ tâm sự: Là phụ nữ dân tộc Mông thì phải biết thêu, may trang phục truyền thống và dạy lại cho con gái, giữ gìn trang phục ngày lễ, Tết… Được tham gia Tổ phụ nữ may thêu thổ cẩm của thôn, tôi còn có thêm thu nhập.

Nhờ đầu ra sản phẩm ổn định, thu nhập trung bình của các thành viên trong tổ đạt khoảng 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, tổ có 10 thành viên thuộc diện hộ nghèo, 12 thành viên thuộc hộ cận nghèo nhưng đến hết năm 2020 chỉ còn 6 thành viên thuộc diện hộ nghèo và 3 thành viên hộ cận nghèo.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò, năng lực của phụ nữ trong phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tính đến hết năm 2020, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chỉ đạo duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình phát triển kinh tế gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống các dân tộc; có 6 hợp tác xã do phụ nữ quản lý, 8 tổ hợp tác, 65 tổ liên kết sản xuất, kinh doanh, 5 câu lạc bộ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” với 1.583 thành viên tham gia sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ tham gia, góp phần nâng cao vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương.

Bà Thào Thị Tùng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã tích cực hỗ trợ để xây dựng các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, trong đó có những tổ, nhóm phụ nữ thêu, dệt thổ cẩm ở Sa Pa và một số huyện. Việc tạo sinh kế bằng chính nghề truyền thống giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy năng lực, sở trường, phát triển nghề truyền thống, từ đó vươn lên thoát nghèo.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết mô hình kinh tế tập thể gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nên cùng với sự cố gắng của các cấp hội phụ nữ, các ngành và địa phương cũng cần có sự quan tâm, giúp đỡ để tiêu thụ sản phẩm của những mô hình này./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục