Du lịch Đông Anh: Tỏa sáng từ di sản
Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
Hai lần là kinh đô nước Việt
Khác với vùng xứ Đoài - Sơn Nam Thượng, Đông Anh mang những nét đặc trưng văn hóa khó lẫn của nền văn minh sông Hồng. Sự tồn tại của nhiều di chỉ khảo cổ nổi tiếng cho thấy nơi đây từng là trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn. Nhắc đến Đông Anh là nhắc tới Cổ Loa - mảnh đất từng hai lần được chọn là kinh đô nước Việt. Đó là kinh đô Cổ Loa thời An Dương Vương (năm 208 - 179 trước Công nguyên) và tiếp tục được chọn làm kinh đô sau khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938) và xưng vương.
Đông Anh còn là vùng đất khoa bảng, nơi có nhiều người đỗ đạt thứ hai trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội (sau Thường Tín), với 56 tiến sĩ được lưu danh. Ở Đông Anh hiện còn bảo tồn 319 di tích cùng hệ thống di sản văn hóa phi vật thể với 98 lễ hội dân gian đặc sắc như Hội rước Bát xã Loa thành, Hội rước vua giả đền Sái... Đan xen với các lễ hội là các trò chơi dân gian độc đáo Cướp cầu làng Viên Nội, Kéo lửa thổi cơm thi làng Lương Quy, Kén rể làng Đường Yên - Xuân Nộn... và các loại hình nghệ thuật truyền thống rối nước Đào Thục, ca trù Lỗ Khê, tuồng cổ Xuân Nộn, chèo cổ Dục Tú, trong đó, rối nước Đào Thục đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách.
Theo Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Đông Anh là vùng đất có tài nguyên văn hóa phong phú ít nơi nào sánh kịp. “Đó không chỉ là những trầm tích văn hóa được bồi lắng qua chiều dài lịch sử mà còn được nhiều thế hệ kế thừa, phát huy. Tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa tiêu biểu của Đông Anh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những tiềm năng, thế mạnh ấy cần được khai thác triệt để nhằm phát triển du lịch trong thời gian tới”, Tiến sĩ Lưu Minh Trị chia sẻ.
Nỗ lực xây dựng sản phẩm
Nhờ những lợi thế nổi trội về tài nguyên văn hóa, Đông Anh xác định du lịch là một trong những sản phẩm chủ đạo của huyện. Ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định việc phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của người dân và cộng đồng. Sự gắn bó mật thiết giữa người dân với các di sản trên địa bàn đã được hình thành cách đây hàng nghìn năm, vì thế, việc phát triển du lịch phải gắn với tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện ứng xử văn minh du lịch, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, bảo vệ môi trường tại các điểm đến để người dân và du khách cùng tham gia”.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Mạnh, thời gian qua, Đông Anh đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác phát triển du lịch trên địa bàn như: Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án: Công viên Văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy, dự án Trung tâm Triển lãm quốc gia, dự án Khu du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Hoa Lâm Viên, Đền thờ Ngô Quyền... nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Song song với đó là công tác phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu là việc thực hiện số hóa đối với Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, tư liệu hóa nghệ thuật trình diễn múa rối nước thôn Đào Thục (xã Thụy Lâm)...
Hoạt động quảng bá điểm đến và các sản phẩm du lịch cũng được huyện chú trọng nhằm giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, huyện còn hướng dẫn các đơn vị cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm ẩm thực, nông nghiệp tiêu biểu của địa phương như đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà, quất Tàm Xá, bún Mạch Tràng, tương Việt Hùng... nhằm gia tăng mức chi tiêu của du khách khi đến với huyện.
Nhờ những nỗ lực trên, năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng huyện Đông Anh đã đón hơn 121.000 lượt khách tham quan, trong đó khoảng 300 lượt khách quốc tế (giảm 1/3 so với năm 2019). Hiện nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các điểm đến trên địa bàn huyện tạm thời dừng đón khách theo chủ trương của Thành phố, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định để sớm đón khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.