Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Đồng chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và kết hợp với hình thức trực tuyến tại các điểm cầu trên toàn quốc.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan liên quan; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Sở VHTTDL 63 tỉnh thành trên cả nước; đại diện các hội, hiệp hội, tổ chức, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Trong thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển 5/12 ngành công nghiệp văn hoá gồm điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo, du lịch văn hoá. 7/12 ngành gồm kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp triển khai, thực hiện.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị
Báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết: Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Đồng thời, công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Theo số liệu thống kê và đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Nêu một số kết quả ấn tượng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, trong lĩnh vực điện ảnh, năm 2019, tổng doanh thu đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng, trong đó, phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng. Đây là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mục tiêu đề ra trong Chiến lược.
Trong lĩnh vực du lịch, năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, năm 2021 là 180.000 tỷ đồng (giảm do ảnh hưởng từ Đại dịch Covid-19). Năm 2022, tổng thu du lịch phục hồi ấn tượng, ước đạt 495.000 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng báo cáo tại hội nghị
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, năm 2022, 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương đã dàn dựng 112 chương trình, 82 vở diễn, 1.682 buổi biểu diễn, thu hút 15.629.482 lượt xem. Kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 35 tỷ đồng.
Đối với quảng cáo, năm 2020, doanh thu từ hoạt động quảng cáo của đài phát thanh - truyền hình đạt khoảng 7.250 tỷ đồng. Trước đó năm 2019, doanh thu quảng cáo trên truyền hình đạt 45 tỷ đồng, quảng cáo ngoài trời 1.445 tỷ đồng, internet 16.662 tỷ và tổng doanh thu quảng cáo trên các phương trên các phương tiện là 65.408 tỷ đồng…
Ở các địa phương, giai đoạn 2016-2022, với những thay đổi tích cực về cơ chế, chính sách, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thành phố Hà Nội, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 1,49 tỉ USD vào tổng sản phẩm của thành phố, chiếm tỷ trọng 3,7% GDP (năm 2018). Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,88%.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, các ngành công nghiệp văn hóa vẫn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Cụ thể là hệ thống văn bản pháp luật, chính sách chưa đồng bộ. Nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác thống kê, đánh giá sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho phát triển kinh tế - xã hội chưa được thực hiện tốt. Thiếu cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Việc thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn gặp khó khăn…
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhận định, hiện nay phát triển công nghiệp văn hoá gặp khó khăn. Đề xuất các giải pháp khắc phục, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất cần sớm hình thành, phát triển và điều chỉnh các công cụ pháp lý nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham dự của các chủ thể khác nhau trong phát triển văn hóa; xây dựng thị trường giao dịch và các chính sách liên ngành cho công nghiệp văn hóa; xây dựng các điều luật khuyến khích về thuế nhằm thúc đẩy sản xuất, phân phối sản phẩm văn hóa và các điều luật thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và thu hút lao động cho các ngành công nghiệp văn hóa. Ngoài ra cần bổ sung các cơ chế tài chính cụ thể, bao gồm bảo hiểm, cho vay nhỏ và các quỹ đầu tư mạo hiểm cho công nghiệp văn hóa.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị liên quan trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá thời gian qua. Từ những “con số biết nói” tại Hội nghị, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá. Công nghiệp văn hoá đóng góp không nhỏ cho lợi ích quốc gia.
Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục nỗ lực cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá thành hành động cụ thể, đạt nhiều thành công vì lợi ích đất nước, nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân.
Bộ trưởng nhấn mạnh, từ thực tế cho thấy, chúng ta vẫn còn những tồn tại trong phát triển lĩnh vực này. Các địa phương và ngay cả Bộ VHTTDL cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại những tồn đọng để đưa ra giải pháp. Một trong những vấn đề chúng ta cần nhìn nhận lại là vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hoá. Nhà nước chỉ xây dựng cơ chế chính sách, đưa ra định hướng, đầu tư có tính chất vốn “mồi”. Còn lại, sản phẩm văn hoá phải được làm ra bằng bàn tay, khối óc của người Việt, của nhân dân, doanh nghiệp thực hiện. Đây là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới.
Bộ trưởng nêu rõ cần thay đổi tư duy, không thể giữ cách làm đưa cái “chúng ta có” mà phải đưa cái “công chúng cần” để quảng bá. Công tác nhận diện, nắm bắt xu hướng, thị hiếu của công chúng phải được triển khai có hiệu quả. Sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hoá cần đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của công chúng với các giá trị chân - thiện - mỹ.
Toàn cảnh hội nghị
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh phải hoàn thiện sớm Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá đến năm 2045. Trong chương trình phải có đề án, dự án điểm nhấn liên quan đến công nghiệp văn hoá. Đối với các bộ Luật, văn bản pháp luật, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị khẩn trương bắt tay vào nghiên cứu, có thêm cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá cho kinh tế - xã hội; kêu gọi đầu tư cho văn hoá để đưa văn hoá thật sự trở thành nguồn tài nguyên vô tận, phát huy mạnh mẽ sức mạnh trong công cuộc phát triển đất nước.
Bộ trưởng giao cho đơn vị soạn thảo tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng điều chỉnh Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam hoặc đề xuất một số giải pháp quan trọng để thực hiện tốt Chiến lược trong thời gian tới. Đồng thời kiến nghị Quốc hội hoàn thiện, bổ sung thể chế pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là những giải pháp căn cơ, cần phải làm ngay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng một lần nữa khẳng định.
Trung tâm Thông tin du lịch