Hoạt động của ngành

Tp. HCM: Du lịch ngóng tết, kỳ vọng mục tiêu 65 triệu lượt khách

Cập nhật: 26/01/2022 12:17:14
Số lần đọc: 907
Sau nhiều chật vật vì dịch, ngành du lịch đang tất bật cho mùa Tết Nguyên đán nhiều hy vọng. Năm nay toàn ngành đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách. Song để hoàn thành mục tiêu này không đơn giản, nhất là ở mảng khách quốc tế.


Sau nhiều chật vật vì dịch, ngành du lịch đang tất bật cho mùa Tết Nguyên đán nhiều hy vọng.

Linh hoạt tour tết

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing của TST tourist, cho biết năm nay để đáp ứng yêu cầu của khách, công ty thiết kế những tour nhỏ từ 6 khách là có thể khởi hành.

Ngoài ra, với khách đoàn ghép cũng không quá 20 người/đoàn để đảm bảo tính an toàn. Tính đến ngày 20-1 lượng khách đăng ký tour dịp tết tại TST đã đạt khoảng hơn 50% kỳ vọng của công ty. Với thói quen đặt tour sát ngày, TST tin tưởng những ngày cận tết lượng khách sẽ đạt, thậm chí vượt khoảng 2.000 lượt khách. 

“TPHCM hiện là vùng xanh, tâm lý khách lại đang dần ổn định nên việc thực hiện tour tết cũng thuận lợi hơn rất nhiều. TPHCM lại là thị trường cung cấp nguồn khách lớn cho cả nước nên đây là tín hiệu vui chung cho ngành du lịch.

Năm nay với những tour 1-2 ngày khách chuộng thăm quan nội thành, hoặc đến các địa phương lân cận như Tiền Giang, Long An... Còn tour 3-6 ngày các tỉnh khu vực miền Trung, miền Bắc được ưu tiên chọn lựa” - ông Mẫn cho biết. 

Cùng với TST, rất nhiều công ty lữ hành khác trên địa bàn TPHCM như Saigontourist, Vietravel, Fiditour, Thế hệ trẻ… cũng đang tất bật cho mùa Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban tiếp thị Vietravel, cho biết đến thời điểm này lượng khách đặt tour tết đã đạt 50% kế hoạch. Năm nay khách chọn lựa nhiều các tour Phú Quốc và khu vực Đông Tây Bắc. Ngoài ra, dịp tết này Vietravel cũng đã mở lại một số tour đưa khách Việt đi nước ngoài để đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách. 

Có điểm chung trong việc thiết kế các tour du lịch mùa tết năm nay, là các công ty đều đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, thiết kế những tour với nhóm khách nhỏ, nhóm khách gia đình. Một số công ty còn mở rộng điều khoản bảo hiểm du lịch liên quan đến Covid-19 để khách an tâm. Đặc biệt, các sản phẩm tết năm nay đều được các doanh nghiệp nỗ lực làm mới để mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho du khách.

Ngoài việc đặt tour qua các công ty lữ hành, năm nay với những điểm đến gần TPHCM khách đi tự túc cũng khá đông. Chủ một khu du lịch tại Đồng Tháp khi được hỏi về tình hình khách du lịch tết Nhâm Dần, đã thốt lên “chúng tôi sống lại rồi”, khi lượng khách đặt phòng đang tăng lên từng ngày. Sự trở lại của mùa du lịch tết đang được xem là bước đầu hướng tới mục tiêu đón 65 triệu lượt khách trong năm 2022 của toàn ngành.

Thách thức mục tiêu cả năm

Năm 2022, ngành du lịch kỳ vọng đón được 65 triệu lượt khách, trong đó sẽ đón 60 triệu lượt khách nội địa (bằng 3/4 lượng khách trong năm cao điểm 2019) và 5 triệu lượt khách quốc tế (hơn 1/4 lượng khách năm 2019); tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.

Việc đặt mục tiêu phấn đấu là điều cần thiết, nhưng bên cạnh mục tiêu cái được chờ đón chính là kế hoạch và giải pháp để thực hiện mục tiêu đó như thế nào, trong khi điều này dường như vẫn khá mơ hồ. Chia sẻ góc nhìn của mình về mục tiêu của ngành du lịch trong năm 2022, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch VietCircle, cho rằng điều băn khăn nhất là 5 triệu lượt khách quốc tế sẽ được khai thác ở thị trường mục tiêu nào. 

Nhìn lại những năm thăng hoa của ngành du lịch Việt, nhất là năm 2019 khi chúng ta đạt kỷ lục trong đón khách quốc tế, lượng khách chính vẫn đến từ 4 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (chiếm hơn 60% tổng lượng khách đến Việt Nam), trong đó nhiều nhất vẫn là thị trường Trung Quốc.

Cho đến nay Trung Quốc vẫn thực hiện chiến lược Zero Covid và chưa biết sẽ kéo dài tới khi nào, nên khó có thể kỳ vọng thị trường khách này. Nhật Bản cũng chưa quá cởi mở trong việc mở cửa thị trường, đường bay. Khách Hàn Quốc đã bắt đầu qua nhưng số lượng vẫn còn hạn chế. Với khách ở thị trường xa phải chờ tới mùa cuối năm từ tháng 10 mới có thể nhộn nhịp hơn. 

Tính đến nay, sau gần 2 tháng thí điểm đón khách quốc tế, ngành du lịch đã đón 7.800 khách, một con số vẫn rất khiêm tốn. Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực như khai thác một số đường bay thương mại, đồng thời nối dài thêm danh sách các tỉnh/thành được thí điểm đón khách quốc tế, nhưng các rào cản trong việc đón khách quốc tế vẫn còn không ít. Chưa hết, nhiều công ty vẫn đang khó khăn trong phục hồi và duy trì hoạt động sẽ khiến mục tiêu càng thêm thách thức. 

Vậy còn mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa thì sao. Theo đánh giá chung, dù mùa du lịch Tết Nguyên đán năm nay có khá nhiều tín hiệu tích cực, nhưng tình hình dịch vẫn khó đoán trước. Có lẽ lại phải chờ đến mùa du lịch hè mới có thể đoán biết thị trường. Thế nhưng mục tiêu đón 60 triệu lượt (bằng 3/4 năm cao điểm 2019) vẫn là con số nhiều thách thức với toàn ngành.

Có ý kiến cho rằng việc thuế VAT giảm từ 10% xuống 8% dự kiến áp dụng từ ngày 1-2-2022, sẽ có tác động tích cực đến nhiều ngành trong đó có ngành du lịch. Thực tế, giảm thuế VAT nhiều doanh nghiệp du lịch đã kiến nghị từ rất lâu, bởi nó sẽ góp phần kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động dịch vụ, du lịch. Vì thế, khi nghe thông tin giảm thuế VAT nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá phấn khởi, song với mức giảm chỉ 2% e chưa có tác động nhiều. 

“Trước đây, việc giảm thuế VAT ở mức 30% áp dụng đến ngày 31-12-2021, tức chỉ trong vòng 60 ngày giống như "muối bỏ bể", chưa đủ kích cầu được trong bối cảnh ngành du lịch vừa gượng dậy và sức mua còn rất yếu. Chúng tôi đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% và áp dụng trong khoảng 2 năm để kích cầu thật sự. Hiện với mức giảm 2% chúng tôi cho rằng tác động không lớn, hiệu ứng không thực sự rõ ràng.

Chúng tôi vẫn giữ quan điểm nên giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%. Ngoài ra, cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 23% xuống 18% trong khoảng 2 năm, cũng như áp dụng chính sách ân hạn cho doanh nghiệp một vài năm” - bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh chia sẻ. 

Năm 2022 vẫn còn nhiều điều khó đoán định vì dịch bệnh, sẽ còn không ít thách thức và khó khăn các doanh nghiệp và ngành du lịch phải đối mặt. 

Thanh Lâm

Nguồn: Báo Sài Gòn Đầu tư

Cùng chuyên mục