Hoạt động của ngành

TP Sầm Sơn (Thanh hóa): Lao động ngành du lịch trước tác động của dịch COVID-19

Cập nhật: 04/05/2020 14:15:21
Số lần đọc: 905
Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch ở TP Sầm Sơn đã và đang phải chịu những thiệt hại nặng nề do lượng khách và doanh thu sụt giảm. Nhiều lao động phải đối mặt với những khó khăn khi bị giảm thu nhập, tạm ngừng việc, thậm chí mất việc...

Nhà hàng, đường phố Sầm Sơn vắng vẻ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Lao động lao đao vì ảnh hưởng của dịch bệnh

Nếu như những năm trước, thời điểm sau Tết Nguyên đán là lúc TP Sầm Sơn thu hút rất đông du khách, đặc biệt là những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5. Thế nhưng năm nay tình hình có phần trầm lắng hơn. Từ ngày 25-4, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho phép các khu du lịch được đón khách nội tỉnh, các doanh nghiệp, hệ thống khách sạn, nhà hàng đang gấp rút cho khâu dọn dẹp, tân trang lại không gian, phòng ốc để chuẩn bị đón khách. Lượng du khách đến Sầm Sơn đã tăng lên trong những ngày nghỉ lễ song khách lưu trú còn hạn chế, một phần vì nhiều người vẫn còn lo ngại vì dịch bệnh, phần khác là bởi dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thu nhập, kinh tế của người dân nên họ chưa sẵn sàng chi tiền cho kỳ nghỉ dưỡng. Thêm nữa, thời gian này học sinh vẫn trong thời gian học chính do phải học bù chương trình của những tháng nghỉ học. Những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID–19 không chỉ khiến nhiều chủ doanh nghiệp ngành du lịch phải lao đao mà nhiều lao động cũng rơi vào tình cảnh khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và cuộc sống.

Theo khảo sát về ảnh hưởng của đại dịch COVID–19, TP Sầm Sơn có 223 doanh nghiệp, 684 cơ sở lưu trú, 127 nhà hàng, cơ sở phục vụ ăn uống, 178 cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản; 269 cơ sở bán lẻ hàng hóa, nước giải khát, 354 điểm bán hàng, dịch vụ vận tải khách du lịch bằng xe điện 4 bánh (474 phương tiện), xích lô (443 phương tiện)... ngừng hoạt động. Các cơ sở kinh doanh du lịch đóng cửa đồng nghĩa với việc giảm số lượng nhân lực, trong đó có không ít cơ sở phải cắt giảm toàn bộ nhân công.

Anh Lê Văn Hải, một người dân địa phương có nhiều năm gắn bó với công việc đầu bếp tại một khách sạn lớn ở phường Trường Sơn cho biết: Nếu những tháng vào mùa, làm đủ công, thu nhập của mỗi người chúng tôi khá cao, có thể đủ trang trải cuộc sống trong gia đình. Vào những tháng khác, tuy thu nhập có giảm hơn nhưng vẫn ổn định. Từ đầu năm nay, dịch bùng phát, khách sạn tạm dừng hoạt động khiến chúng tôi cũng phải nghỉ việc. Vợ chồng tôi là những người làm nghề du lịch nên thời điểm vừa qua đều phải ở nhà không có thu nhập nên rất khó khăn. Mấy hôm nay, mặc dù một số khách sạn, nhà hàng đã bắt đầu mở cửa trở lại nhưng nơi chúng tôi làm việc vẫn chưa chính thức hoạt động nên chúng tôi chưa có thông báo đi làm trở lại. Không biết khó khăn còn kéo dài đến bao giờ nữa.

Cùng chung nỗi lo lắng của anh Hải, anh Trần Đức Thành, một người lao động sống bằng nghề lái xe điện chở khách tâm sự: “Cả gia đình tôi sinh sống nhờ thu nhập từ công việc chở khách. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay không có thu nhập, gia đình tôi rất khó khăn. Những ngày gần đây tuy đã nhúc nhắc có khách nhưng số lượng không đáng kể. Tôi rất lo cho công việc của mình vào những ngày sắp tới. Hy vọng dịch bệnh mau chóng qua đi để những người kiếm sống bằng nghề gắn với du lịch như chúng tôi được trở lại với cuộc sống bình thường”.

Rõ ràng, dịch bệnh COVID–19 đã gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành du lịch và TP Sầm Sơn là một trong những địa phương chịu thiệt hại lớn. Trong nhiều tháng liền, hàng loạt các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, hàng nghìn người bị mất việc hoặc bị cắt giảm thu nhập. Những hệ lụy sẽ còn kéo dài, người dân rất cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Những nỗ lực vì người lao động

Khủng hoảng vì đại dịch COVID–19, nhiều lao động bị mất việc làm và rơi vào khó khăn. Chính quyền địa phương và nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã nỗ lực hết sức để giảm thiểu khó khăn cho người lao động. Bà Lê Thị Hoa, chủ một khách sạn tại phường Trường Sơn cho biết: Dịch bệnh bùng phát, khách không có, doanh thu sụt giảm nhưng chúng tôi vẫn cố gắng chi trả tiền lương cho người lao động nhưng có cắt giảm bớt. Hiểu được khó khăn cũng như những nỗ lực của chủ kinh doanh, anh em nhân viên đều vui vẻ đồng lòng chứ không phàn nàn gì nhiều.

Đại diện UBND TP Sầm Sơn cho biết: Cùng với việc tích cực rà soát các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, TP Sầm Sơn cũng có cách làm riêng để hỗ trợ một số đối tượng thuộc diện khó khăn. Toàn thành phố có hàng nghìn lao động làm trong lĩnh vực dịch vụ du lịch bị mất việc làm, giảm thu nhập do dịch bệnh COVID-19. Để đời sống của người dân vơi bớt khó khăn, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, thành phố đã trích ngân sách từ nguồn tiết kiệm để hỗ trợ cho 626 hộ nghèo, mỗi hộ 300 nghìn đồng và 961 hộ cận nghèo, mỗi hộ 200 nghìn đồng. Ngoài ra, thành phố còn yêu cầu các xa, phường hỗ trợ thêm cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do bị mất việc trong thời điểm dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc làm và thu nhập cho người lao động sẽ chỉ được bảo đảm khi các hoạt động du lịch trở lại bình thường. Vì vậy, bước vào mùa du lịch và từ khi các cơ sở kinh doanh được phép hoạt động trở lại, thành phố đã thông báo đến tất cả các chủ kinh doanh chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp đón du khách đồng thời thực hiện tốt công tác truyền thông, quảng bá về hình ảnh du lịch Sầm Sơn, nâng cao chất lượng phục vụ... để kích cầu ngành du lịch phát triển trở lại.

Trước những chuyển biến tích cực, hy vọng dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hoạt động ổn định trở lại, người lao động tiếp tục có việc làm, có thêm thu nhập để bảo đảm đời sống.

Bài và ảnh: Thu Hà

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục