Đà Nẵng: Kỳ vọng từ những đề án phát triển du lịch
Một số đề án: “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái”; “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô”; “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang”; “Cơ cấu lại ngành du lịch thành phố”… đang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi, tạo ra sự khác biệt cho du lịch Đà Nẵng.
Lâu nay nhắc đến du lịch Đà Nẵng, du khách thường biết đến một thành phố trẻ với nhiều lợi thế được thiên nhiên ưu đãi như có những bãi biển dài và đẹp, có sông, có núi… Tuy nhiên, để tạo ra sự hấp dẫn cũng như thu hút khách đến, quay trở lại với Đà Nẵng thì từ những tài nguyên sẵn có cần bổ sung, nâng tầm và phải có thêm các sản phẩm du lịch mới, phù hợp với thị hiếu của du khách.
Trong định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Du lịch đã xác định không gian phát triển du lịch theo định hướng tựa núi, hướng biển; lấy Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân và Ngũ Hành Sơn làm trung tâm tạo vùng, bao bọc cho phần lõi là trung tâm thành phố, hạn chế không gian phát triển du lịch vùng lõi.
Các sản phẩm du lịch ưu tiên phát triển theo 4 nhóm chính gồm: du lịch biển nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi, giải trí, hội thảo hội nghị; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái, làng quê, làng nghề; du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực…
Thực tế lâu nay, Đà Nẵng mới chỉ tập trung khai thác du lịch biển, khách đến tắm biển, tham quan một số di tích, danh lam thắng cảnh sẵn có ở khu vực trung tâm thành phố. Vì thế, ngành du lịch thành phố muốn đầu tư, phát triển thêm các sản phẩm liên quan đến các làng nghề, đến hoạt động cộng đồng, những thế mạnh của người dân địa phương.
Trong các đề án đã được UBND thành phố phê duyệt và ban hành như “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái”; “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô”... chủ yếu chú trọng đến định hướng phát triển, giải pháp quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch các khu dịch vụ tạo điểm nhấn vui chơi, giải trí, mua sắm cho du khách, phục vụ nhu cầu của khách du lịch; đồng thời huy động cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực và phát triển kinh tế của địa phương.
Trong đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái”, nơi đây sẽ được quy hoạch thành các cụm dịch vụ, trong đó có các dịch vụ cà phê, bar tại bãi biển; massage truyền thống; ẩm thực bãi biển; quầy lưu niệm; “thử làm ngư dân” (lắc thúng chai, đan thúng, đan lưới, kéo lưới, câu cá cùng ngư dân…), nghệ thuật sắp đặt thuyền thúng; mô hình chụp ảnh lưu niệm; khu tổ chức sự kiện, sinh hoạt cộng đồng; dịch vụ thể thao giải trí biển, lặn ngắm san hô; ẩm thực hải sản...
Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô” lại hướng đến các sản phẩm như: Trải nghiệm bình minh, hoàng hôn ở vịnh Nam Ô trên thuyền thúng; tắm biển ở bãi Nam Ô; tham quan tìm hiểu câu chuyện về các di tích; tham quan bảo tàng ốc và trải nghiệm các hoạt động văn hóa; tham quan làng nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực địa phương Nam Ô; dịch vụ lưu trú homestay trải nghiệm tại nhà dân, tham quan làng bích họa; đi bộ, tham quan ghềnh Nam Ô…
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, Đà Nẵng có một số nghề truyền thống rất đặc trưng như: chiếu Cẩm Nê, bánh khô mè bà Liễu, bánh tráng Túy Loan… hay có tới 7 làng chài, nhưng sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng khiến các làng chài mai một dần đi…
Những đề án của thành phố sẽ là cơ hội để người dân địa phương được tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch; hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền như: đến Nam Ô có thể xem người dân chế biến nước mắm truyền thống; đến Thọ Quang - Mân Thái được thấy ngư dân ra khơi đánh cá… Du khách nếu muốn có thể tham gia vào các hoạt động của chính người dân địa phương, tạo ra sự mới mẻ, hấp dẫn cho du khách.
Còn ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty Sự kiện và Du lịch Kết nối mới (Necotour) lại cho rằng, việc hình thành thêm các sản phẩm du lịch cộng đồng sinh thái, cần quan tâm đến thị hiếu của du khách để có sản phẩm cho phù hợp. Sản phẩm tạo ra phải là sự kết hợp hài hòa giữa tiềm năng, lợi thế của địa phương và sự gắn kết với cộng đồng dân cư để tạo điểm đến mới, hấp dẫn cho du khách.
Các cụm đề án có thể phát triển, liên kết thành một chuỗi sản phẩm, kết nối du lịch cộng đồng biển (Mân Thái - Thọ Quang), làng nghề (nước mắm Nam Ô), văn hóa lịch sử khám phá (Đình làng Túy Loan, khu căn cứ cách mạng K20…) để tạo nên sự đồng bộ, da dạng trong dịch vụ.
Những người dân địa phương, người làm nghề truyền thống tại địa phương như anh Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (quận Liên Chiểu) cũng kỳ vọng, khi những đề án trên được đưa vào triển khai thực tế tại địa phương sẽ giúp cho người dân ổn định cuộc sống, có thêm thu nhập. Du khách không chỉ tham quan cảnh đẹp của vùng đất Nam Ô mà sẽ được biết đến và trải nghiệm nghề làm nước mắm thủ công của vùng đất Nam Ô nổi tiếng.
Theo ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch, một số đề án đã được ban hành tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng, khai thác những tiềm năng của địa phương để tạo ra các sản phẩm du lịch mới, được thiết lập trên giá trị truyền thống và nguyên sơ của tự nhiên, văn hóa vùng miền (người dân miền biển) và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, góp phần thu hút người dân và du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí, du lịch trải nghiệm.
Các đề án này được xây dựng theo hướng khai thác du lịch kết hợp với bảo tồn các di sản văn hóa, giới thiệu các tập quán, sản phẩm của địa phương tới du khách… Sau khi được phê duyệt, Sở Du lịch đã tham mưu cho UBND thành phố có các kế hoạch triển khai, các sở, ngành liên quan sẽ thực hiện triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra./.