Trao Quyết định công nhận Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm
Trong những năm gần đây, công tác phát triển du lịch tại Làng cổ Đường Lâm đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu rộng rãi về giá trị của di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng và internet.
Từ năm 2014 đến 2019, khoảng 70 vạn lượt khách du lịch, trong đó có hơn 3 vạn lượt khách quốc tế, đã đến tham quan, trải nghiệm tại Làng cổ Đường Lâm, giúp địa phương thu phí hơn 7,5 tỷ đồng. Sự phát triển du lịch tại Làng cổ Đường Lâm cũng tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho người dân nơi đây, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời quảng bá rộng rãi hình ảnh của vùng đất chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá này. Việc được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố sẽ giúp công tác quản lý và đầu tư xây dựng Làng cổ Đường Lâm phát triển bền vững, hiệu quả hơn.
Việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4851/QĐ-UBND công nhận Làng cổ Đường Lâm là điểm du lịch cấp thành phố đã thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước và thành phố Hà Nội đối với nhân dân thị xã Sơn Tây trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của địa phương; đồng thời, thể hiện quan điểm của Nhà nước và thành phố Hà Nội trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa có giá trị của thị xã Sơn Tây nói chung và xã Đường Lâm nói riêng.
Trong dịp này, UBND thị xã Sơn Tây đã tổ chức nhiều hoạt động nổi bật: Trưng bày một số trang phục truyền thống Đường Lâm; Giới thiệu sản phẩm ẩm thực của Làng cổ; Tổ chức ngày hội các trò chơi dân gian và Hội thảo về các giải pháp phát triển du lịch Làng cổ ở Đường Lâm.
Làng cổ Đường Lâm nằm ở huyện Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 40km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên còn được gọi là "đất hai vua". Điểm nhấn của Làng cổ Đường Lâm là Cổng làng Mông Phụ, đây là cổng làng cổ duy nhất còn lại cho đến ngày nay tại Đường Lâm. Cho đến nay, làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình...Theo thống kê, tại quần thể di sản văn hóa làng cổ ở Đường Lâm, hiện có 50 di tích có giá trị. Trong đó, 7 di tích được xếp hạng Quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp Tỉnh, Thành phố, 98 ngôi nhà cổ truyền thống có niên đại lâu đời, 17 lễ hội lớn tại các di tích. Ngoài ra, đây cũng là nơi có nhiều lễ hội lớn, văn bia thư tịch sắc phong cổ, các phong tục tập quán, nghề thủ công, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian cổ cùng các vị trí phong cảnh đẹp mang đậm chất hồn quê Việt… |