Quảng Nam: Đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng
Tại hội thảo, nhiều ý kiến nhìn nhận, sự phát triển du lịch của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong những năm qua đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa, mang lại cho du lịch của vùng thương hiệu quốc tế và mức độ hấp dẫn điểm đến ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp - nông thôn thời gian qua vẫn còn manh mún, đơn điệu, chưa có chiều sâu, chưa bền vững.
Cụ thể, các sản phẩm du lịch nông nghiệp có tính độc đáo, chuyên nghiệp cao chưa nhiều. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp, chưa phát huy được giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa truyền thống, sự tinh tế, dấu ấn đặc trưng vùng miền trong các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào tài nguyên tự nhiên nên không hấp dẫn khách.
Trong khi đó, phần lớn sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh hoặc đã được đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu. Nhiều điểm du lịch còn phát triển tự phát, gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Phần lớn hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách mang tính tự cung, tự cấp do các hộ gia đình tự sản xuất nên không có thương hiệu; mẫu mã, bao bì chưa hấp dẫn khách du lịch; hoạt động trưng bày, trình diễn quy trình sản xuất, hướng dẫn làm các loại sản phẩm trên chưa được khai thác nhiều...
Theo nhiều đại biểu, về phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn, thời gian tới cần rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển theo hướng liên kết vùng, trong đó cần chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chính sách phát triển nông thôn mới.
Cạnh đó, tập trung khai thác các giá trị đặc thù về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử của nông thôn tại các vùng miền để tạo thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, phát triển du lịch chiều sâu theo hướng sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ sức khỏe. Chú trọng bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử, sinh thái và hạn chế các tác động tiêu cực từ quá trình đô thị hóa, ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, tăng cường kết nối và phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn; đồng thời cũng cần sự hỗ trợ tích cực của các công ty lữ hành trong việc định hướng tiêu dùng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu.../.