Hoạt động của ngành

Thạch Thành (Thanh Hóa) khai thác hiệu quả tiềm năng các di tích, di sản văn hóa gắn với du lịch xanh

Cập nhật: 21/11/2019 08:56:12
Số lần đọc: 1276
Thiên nhiên ban tặng cho Thạch Thành những đại ngàn hùng vĩ, những hình sông, thế núi, danh lam, thắng cảnh làm đắm say lòng người. Tất cả những tiềm năng ấy đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc và là sức mạnh nội sinh to lớn để huyện khai thác, phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch cộng đồng.


Du khách tham quan thác Mây.

Với 14 di tích đã được xếp hạng, cùng hàng trăm di sản phi vật thể đặc sắc, những năm qua, trên cơ sở tiềm năng và nguồn lực sẵn có, huyện đã và đang tập trung đầu tư, khai thác, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, cùng những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng để hình thành, xây dựng các điểm đến hấp dẫn du khách... Trong đó, nổi bật là hang Con Moong và các di tích vùng phụ cận thuộc xã Thành Yên, nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Hang được phát hiện vào năm 1974 và được khai quật lần đầu năm 1976. Giá trị nổi bật nhất của hang Con Moong là lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng văn hóa có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắt, hái lượm đến trồng trọt. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại. Bên cạnh đó, cuộc sống của cư dân bản địa (dân tộc Mường), với những nét đẹp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, giao tiếp sẽ là một trong những “điểm nhấn” để thu hút khách du lịch đến với nơi đây. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận. Đây là cơ sở quan trọng để huyện Thạch Thành phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong. Hiện, các sở, ngành chức năng của tỉnh đang tiếp tục xây dựng lộ trình đề nghị UNESCO công nhận Di tích khảo cổ hang Con Moong là Di sản văn hóa thế giới. Cùng với hang Con Moong, Di tích Chiến khu du kích Ngọc Trạo được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 1994, bao gồm 2 địa điểm là Khu trung tâm Chiến khu Ngọc Trạo (xã Ngọc Trạo) và khu vực Hang Treo, giáp ranh xã Thành Tâm (Thạch Thành) và xã Hà Long (Hà Trung). Đây là nơi thành lập Đội du kích Ngọc Trạo vào ngày 19-9-1941 – tiền thân của Lực lượng Vũ trang Thanh Hóa. Đội du kích Ngọc Trạo ra đời đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của phong trào cách mạng Thanh Hóa nói chung và Thạch Thành nói riêng. Từ đây, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã có một lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên, làm nòng cốt cho phong trào cách mạng phản đế cứu quốc, với sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang.

Cùng với các di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, huyện Thạch Thành còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tiêu biểu như: Thác Mây (xã Thạch Lâm). Đây là một trong những thác nước đẹp nhất xứ Thanh, nằm trong vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Từ lâu, thác được nhiều người biết đến với nét đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ. Các lớp thác nước xếp tự nhiên như những thửa ruộng bậc thang, trắng xóa như mây trời, duyên dáng ẩn mình giữa đại ngàn xanh ngát. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên hiếm có, nơi đây còn lưu giữ được một quần thể nhà sàn truyền thống của người Mường và các nghề thủ công, hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, cùng những nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực... Đến nay, Thác Mây đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn nhiều điểm du lịch có thể khai thác như: Hồ Vũng Sú - hồ Bỉnh Công gắn với suối nước nóng thôn Nghẹn (xã Thành Minh); hồ Đồng Ngư (xã Thành An); hồ Tây Trác (xã Thành Long)... với đầy đủ các loại hình, như du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh... Du khách đến với Thạch Thành có cơ hội được trải nghiệm và tìm hiểu nét văn hoá, phong tục tập quán của 2 dân tộc anh em cùng sinh sống là Kinh và Mường.

Với tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch bền vững, trong những năm qua huyện Thạch Thành đã đề ra chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp chất lượng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Đây cũng là cơ sở để huyện gìn giữ, bảo tồn các gen cây trồng truyền thống, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, tạo tiền đề phát triển nền du lịch xanh. Theo đó, từ năm 2016, huyện đã ban hành Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó tập trung vào việc chuyển đổi cây trồng. UBND huyện đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam rà soát, điều tra chất đất để trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi; đồng thời quy hoạch vùng trồng cam, bưởi công nghệ cao ở các xã Thành Vân, Thành Tân, Thành Công, Thành Minh có diện tích khoảng 1.500 ha, đến nay đã có 321 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 4.800 tấn/năm. Ngoài ra, bằng các cơ chế, chính sách phù hợp, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, mang lại giá trị lớn.

Nhờ có các giải pháp đúng hướng, đồng thời khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, xã hội, những năm gần đây du lịch Thạch Thành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về phát triển du lịch được nâng lên; công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch được quan tâm; hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư, nâng cấp; số lượng, chất lượng nhân lực phục vụ ngành du lịch ngày càng được nâng cao... Huyện đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Bình quân những năm gần đây, mỗi năm huyện đón gần 50.000 lượt khách du lịch. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 100 tỷ đồng.

Nhằm tiếp tục giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống; xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch... góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ ngày 22 đến 23-11, huyện Thạch Thành sẽ tổ chức các hoạt động như: Cuộc thi ảnh đẹp về Thạch Thành, với chủ đề “Khoảnh khắc Thạch Thành”; hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Thạch Thành; tổ chức đoàn famtrip khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch; cắm trại, trang trí, trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của địa phương; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của huyện Thạch Thành; tổ chức thi một số môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian; khai mạc ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch – công bố, giới thiệu điểm du lịch và sản phẩm tiêu biểu huyện Thạch Thành và liên hoan tiếng hát dân ca./.

Nguồn: baothanhhoa.vn

Cùng chuyên mục