Hoạt động của ngành

Đặc sắc âm nhạc của người Khơmú ở Nghệ An và Điện Biên

Cập nhật: 20/11/2019 14:22:00
Số lần đọc: 912
Trong hai ngày 23- 24/ 11/2019, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình Âm nhạc của người Khơmú ở Nghệ An và Điện Biên với sự góp mặt của 19 nghệ nhân đến từ hai tỉnh Nghệ An và Điện Biên.


 Một trong những điệu múa truyền thống của dân tộc Khơmú ở Nghệ An và Điện Biên.
Ảnh: BTDT HVN cung cấp

Chương trình giới thiệu đến công chúng cách chế tác nhạc cụ truyền thống (các loại sáo, đàn trống, đàn môi, ống gõ...); cách thực hành trình diễn với làn điệu hát tơm của nhóm Khơmú đến từ tỉnh Nghệ An; thưởng thức các điệu múa dân gian như: thằm đao đao, múa sạp, múa boòng bụ (dỗ ống), múa lắc eo tự biên của nhóm Khơmú đến từ tỉnh Điện Biên. Đây cũng là dịp du khách được giao lưu, hòa mình vào các điệu múa trống chiêng, múa sạp với sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

Nhạc cụ truyền thống của người Khơmú khá phong phú và độc đáo gồm: bộ nhạc khí (sáo dọc ba lỗ, sáo dọc bốn lỗ, sáo ngang, khèn bè); bộ gảy (đàn trống, đàn môi); bộ gõ (ống gõ, ống giỗ, cồng chiêng). Các loại nhạc cụ của người Khơmú thường được dùng vào các dịp lễ tết, cưới xin, mừng nhà mới, hay những dịp lễ hội của cộng đồng.

Ngoài nhạc cụ truyền thống, các hình thức diễn xướng dân gian như: hát (tơm), các điệu múa tự biên, tự diễn với nhịp điệu nhanh, mạnh, uyển chuyển  được xem là một trong những yếu tố đặc trưng mang sắc thái văn hóa riêng của người Thái. Người ta thường chơi nhạc cụ kết hợp với các làn điệu hát (tơm) và múa truyền thống. Trong khi người Khơmú ở miền núi Nghệ An hiện nay đã bảo tồn và sử dụng đa dạng nhạc cụ trong đời sống hàng ngày thì người Khơmú ở Điện Biên bảo lưu và duy trì được nhiều điệu múa truyền thống của tộc người.

PGS. TS.  Bùi Nhật Quang - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình Âm nhạc của người Khơmú ở Nghệ An và Điện Biên nhằm giới thiệu đến công chúng một loại hình văn hóa dân gian độc đáo. Thông qua đó, góp phần giáo dục di sản văn hóa phi vật thể, tăng cường sự hiểu biết về văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc dân gian của người Khơmú nói riêng. Từ đó, giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm tự hào và yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc. Hoạt động này góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa của cha ông trong bối cảnh hội nhập”. Gắn với trình diễn nhạc cụ là các hoạt động giáo dục như: giao lưu, tương tác với nghệ nhân để hiểu hơn về cách làm, cách chơi nhạc cụ; thực hành và trải nghiệm lắp ghép sáo bốn lỗ, thổi khèn lá; ghép thông tin với hình ảnh; các hình thức đố vui, trò chơi sử dụng thính giác, xúc giác để nhận biết âm thanh và nhạc cụ tạo ra âm thanh đó; Củng cố và nâng cao kiến thức qua phiếu hỏi.

Bên cạnh hoạt động trình diễn văn nghệ dân gian và chế tác nhạc cụ, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức tọa đàm về Người Khơmú ở Lào, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam” do TS. Frank Porschan thuyết trình vào hồi 14h – 16h, ngày 23/11/2019. Buổi toạ đàm có sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu thuộc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Viện Dân tộc học, Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và sinh viên của một số trường đại học như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Khoa nhân Nhân học ,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Hy vọng chương trình sẽ mang đến nhiều điều mới lạ và bổ ích về dâu ấn văn hóa của người Khơmú cho công chúng trong và ngoài nước./.

Cùng chuyên mục