Hoạt động của ngành

Lai Châu: Khai thác tiềm năng du lịch Nậm Nhùn

Cập nhật: 19/11/2019 14:22:37
Số lần đọc: 2159
Được thiên nhiên ưu đãi có nhiều địa điểm đẹp, đa dạng bản sắc văn hóa của 11 dân tộc anh em cùng các công trình nhân tạo hùng vỹ, thời gian qua, huyện Nậm Nhùn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, khám phá.

Cách thành phố Lai Châu hơn 2 giờ chạy xe, huyện Nậm Nhùn có giao thông thuận lợi cả về đường bộ lẫn đường thủy. Nằm ngay cửa ngõ của huyện, khu sinh thái xã Pú Đao có độ cao trên 1.600m so với mực nước biển, được bầu chọn là 1 trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Đến đây, du khách được tìm hiểu về văn hóa của người Mông bản địa, khám phá những cánh rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, ngắm nhìn toàn cảnh non nước Tây Bắc, đắm mình trong bình minh và hoàng hôn nơi núi cao trùng điệp.

Việc tìm hiểu văn hóa, khám phá thiên nhiên bằng đường thủy không thể bỏ qua khi du khách đến thăm huyện Nậm Nhùn. Trên tuyến du ngoạn bằng đường thủy được khám phá các lòng hồ Thủy điện Sơn La, Lai Châu, tham quan bản làng mang nét đặc trưng của 11 dân tộc bản địa, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử, tinh thần quý giá như: Bảo vật Quốc gia Bia Lê Lợi tại Đền Vua Lê Lợi (xã Lê Lợi), đàn tính, khèn và các lễ hội,  kho tàng văn học dân gian đậm bản sắc gắn kết chặt chẽ với bản, đặc trưng luật tục trong không gian sông, suối, núi rừng của các dân tộc: Thái, Mông, Cống, Mảng...

Du khách cũng có cơ hội được thử tài làm ngư phủ miền sơn cước trên thuyền đánh bắt thủy sản của người dân địa phương, thưởng thức món ăn nổi tiếng như: cá nướng, cá bống vùi tro, canh bon, cơm lam, chẩm chéo, xôi ngũ sắc, lợn cắp nách quay, gỏi cá… ăn một lần chắc chắn sẽ nhớ mãi. Đặc biệt là được chiêm ngưỡng nét duyên dáng của những chàng trai, cô gái dân tộc thông qua trang phục truyền thống, lời ca ngọt ngào, say đắm lòng người, điệu múa xòe thắm tình đoàn kết bên đống lửa ấm tình đồng bào vùng cao.

Nhà máy Thủy điện Lai Châu (công trình thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á) là điểm tham quan vô cùng lý tưởng. Khởi công từ ngày 5/1/2011 có tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng với 3 tổ máy, công suất mỗi năm gần 4,8 tỷ KWh, công trình được ví như bản hùng ca trên dòng sông Đà. Đến đây, ngoài tham quan các hạng mục công trình, vào những ngày Nhà máy xả nước, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cột nước trắng xóa, ồn ào dưới ánh nắng tạo nên cầu vồng 7 sắc tuyệt đẹp ôm trọn Nhà máy.

Ông Hà Văn Ruệ - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Nhùn cho biết: Dựa trên những tiềm năng có sẵn, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn đến năm 2020. Trong đó, tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng, khôi phục, phát triển, quảng bá một số lễ hội của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Chú trọng phát triển các điểm du lịch trọng điểm tại xã Pú Đao, Lê Lợi, Mường Mô. Với 2 tuyến du lịch gồm: Pú Đao - Lê Lợi - lòng hồ - Mường Mô với tên gọi “Bí ẩn vùng đất bị lãng quên” trong 2 ngày 1 đêm và tuyến du lịch trên mặt hồ Thủy điện Lai Châu tại xã Mường Mô trong 1 ngày mang tên “Có một dòng sông như thế”.

Huyện tập trung đầu tư xây dựng xã Lê Lợi làm điểm xuất phát cho tour du lịch, hình thành điểm dừng chân tại khu dân cư ở 2 bản: Chang, Chiềng Lè - nơi trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc Thái và tham gia Lễ hội đua thuyền đuôi én gắn với du lịch tâm linh tại Đền thờ Vua Lê Lợi. Xã Pú Đao tập trung phát triển du lịch sinh thái dựa trên tiềm năng, thế mạnh các khu danh lam thắng cảnh đỉnh núi cao và quần thể sinh thái tự nhiên nguyên sinh. Xã Mường Mô hình thành trạm dừng chân cho khách đi tham quan lòng hồ Thủy điện Lai Châu, mô hình nuôi cá lồng bè.

Đến nay, ở các địa phương có tiềm năng về du lịch đều có sự quan tâm của chính quyền và người dân về công tác vệ sinh môi trường, thành lập các đội văn nghệ luyện tập lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, xây dựng công trình nghỉ chân phục vụ du khách đến tham quan. Cùng với đó, huyện quan tâm tổ chức thành công các chương trình Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc; phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số; chọn lọc tiết mục múa - hát mang màu sắc đặc trưng của địa phương, cử tham gia các cuộc thi văn nghệ trong và ngoài tỉnh.

Với những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, cùng sự quan tâm đầu tư đúng mức của chính quyền các cấp và người dân địa phương, huyện Nậm Nhùn có thêm nhiều điều kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch không khói./.

 

Nguồn: baolaichau.vn
Từ khóa: Lai Châu, Nậm Nhùn,

Cùng chuyên mục