Hành trang lữ khách

Triển lãm ''Hùng Kiến'' - độc đáo nghệ thuật sắp đặt trong điêu khắc

Cập nhật: 26/08/2022 09:14:15
Số lần đọc: 1086
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), triển lãm cá nhân “Hùng Kiến” diễn ra từ ngày 22-28/8, giới thiệu đến khách tham quan các tác phẩm độc đáo thông qua nghệ thuật điêu khắc sắp đặt, phản ánh cuộc sống tự nhiên của loài kiến.

Tác phẩm điêu khắc kiến tại triển lãm: Hoạt động của kiến thợ nhỏ.

Triển lãm là những tác phẩm chọn lọc của nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Mạnh Hùng (còn gọi là Hùng Kiến). Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1987 tại huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ.

Anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từng tham gia triển lãm “Côn trùng” (nhiều tác giả) tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam năm 2018 và triển lãm nhóm năm 2019.

Sử dụng hình ảnh của con kiến, Nguyễn Mạnh Hùng đã miêu tả cuộc sống, những công việc thường nhật và cả cảm xúc của con người, với quan niệm: “Phận người cũng như phận kiến đều tận hiến cho lý tưởng và trách nhiệm của mình trước những biến động của cuộc sống”.

Những tác phẩm điêu khắc với tổ hợp sắp đặt các con kiến được bài trí theo ý tưởng và bố cục gây ấn tượng cho khách tham quan. Mạch văn hóa xây dựng từ bình phong - kiến nhỏ - kiến thợ - kiến chúa.

Tác giả cho biết, từ quá trình lên ý tưởng đến tiến hành tạo ra tác phẩm rất kỳ công. Từ sắt cuộn cắt ra từng mảng khoảng 4-5 cm, sau đó cắt hàn đính tạo hình, hàn chất trên bề mặt. Chất keo tạo hiệu ứng cho con kiến màu đen luôn luôn khỏe. Tìm hiểu về loài kiến, có thể nhận thấy kiến đen là loài kiến lành tính. Chọn kiến đen vừa là hiệu ứng thị giác, vừa mang lại cảm giác gần gũi với con người.

Tác phẩm điêu khắc kiến tại triển lãm: Sự kết nối giữa các kiến thợ với nhau.

Chia sẻ về lựa chọn vật liệu cho tác phẩm, nhà điêu khắc Hùng Kiến cho biết: “Chất liệu thể hiện được cá tính của tôi, đánh vào thị giác người nhìn đó là sự khỏe mạnh. Bề mặt của chất liệu tạo độ đanh, chắc, không giống như những vật liệu khác. Nếu sử dụng vật liệu khác sẽ khiến cho tác phẩm của mình bị nhẹ đi, yếu ớt hơn. Dùng những vật liệu cứng cáp như này hoàn toàn phù hợp câu chuyện của mình, câu chuyện của kiến, những câu chuyện về nhân sinh và mưu sinh. Nghệ thuật tạo hình kiến khi được đẩy lên cao trào giúp mình tưởng tượng ra đời sống của con người, đó là đều phải lao động, kiếm ăn phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu”.

“Đặc điểm riêng của Hùng Kiến là trên bề mặt tác phẩm có chất rất riêng mà hiện tại tôi chưa thấy ai làm điều đó. Đó vừa là kỹ thuật của người hàn tạo chất, vừa là thời gian kiên trì, kỳ công của người nghệ sĩ. Có rất nhiều nghệ sĩ cũng làm về kiến giống như Hùng, nhưng tôi thấy chưa ai làm được như Hùng đã làm”, nhà sưu tầm Cường Nguyễn cho biết.

Hình ảnh loài kiến mang vác những hình khối nặng, có khi đi vào đường cụt, hoặc có con bị gãy sợi râu… gợi cho người xem nhiều suy tưởng về những gánh nặng của chính con người trong xã hội hiện đại: mưu sinh, trách nhiệm, đôi khi lâm vào bế tắc. Song dẫu thế nào kiến vẫn tiến lên phía trước, kiên cường giữa bao la số phận.

Loài kiến hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế này này, và thường được biết đến với đặc tính cần cù, chăm chỉ, kiên nhẫn, tính tập thể và kỷ luật cao… Hùng Kiến mượn hình tượng loài vật này để nhân cách hóa, ẩn dụ, và chính bản thân tác giả cũng như một chú “kiến” chăm chỉ làm việc không ngừng, đã sáng tạo hàng trăm tác phẩm điêu khắc kiến mọi kích cỡ.

Vân Anh – Phương Anh

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 26/8/2022

Cùng chuyên mục