Nhìn ra thế giới

Tuamotu - ''thiên đường trên biển''

Cập nhật: 28/04/2022 12:20:12
Số lần đọc: 769
Mùa hè đang đến, chắc hẳn nhiều người chưa biết đi nghỉ mát ở đâu. Các bãi biển trong nước thường chật kín khách, những điểm đến ngoại quốc thì đắt đỏ. Du khách hãy thử lựa chọn Tuamotu - quần đảo thuộc Pháp nằm lọt thỏm giữa Thái Bình Dương, chưa được nhiều người biết đến dù mang danh “thiên đường trên biển”.


Lễ hội Heiva là dịp để người bản xứ phô diễn những nét văn hóa của mình.

Những bãi biển hoang sơ

Nơi mà phần nhiều du khách lựa chọn khi đến Tuamotu là Rangiroa, hòn đảo san hô lớn thứ hai thế giới. Rangiroa là nơi có nhiều người dân sinh sống nhất trong số các hòn đảo Tuamotu. Tuy vậy, trên đảo cũng chỉ có hai ngôi làng Avatoru và Tiputa cùng với sân bay nằm tại phía cực bắc. Nhờ thế, những bãi biển, rạn san hô tại Rangiroa vẫn giữ được vẻ nguyên sơ.

Điểm lặn Avatoru Pass nổi tiếng nhờ những con cá mập mũi bạc và cá mập búa có nguy cơ tuyệt chủng. Cách không xa là điểm lặn Tiputa Pass. Những loài cá nhỏ lấy rạn san hô làm nhà, rồi lại thu hút các đàn cá hồi, cá nhồng, cá đuối, cá heo và rùa. Du khách chỉ cần ngồi trên thuyền là có thể chiêm ngưỡng màn biểu diễn của đàn cá heo nhảy lên khỏi mặt nước để chơi đùa với sóng.

Trái với Rangiroa là đảo Fakarava. Các điểm lặn ở Fakarava, như Telemanu, thử thách người lặn nhiều hơn vì có nhiều bãi đá, rạn san hô. Sự đa dạng sinh học ở Fakarava cũng vì vậy mà phong phú hơn nhiều. Du khách nên lặn cùng hướng dẫn viên du lịch, tham khảo hệ sinh thái nơi đây để có thể tận hưởng tối đa việc ngắm nhìn các loài động - thực vật biển nhiệt đới. Với những du khách thích mạo hiểm, các cơ sở lặn ở Fakarava còn cung cấp dịch vụ lặn trong lồng sắt để quan sát cá mập.

Sau khi đã thấm mệt sau những hoạt động lặn biển, du khách có thể nghỉ lại Manihi. Hòn đảo này thật ra là một phá san hô chỉ có khoảng 400 người sinh sống. Phần lớn người dân trên đảo sống bằng nghề nuôi ngọc trai đen. Khu khách sạn và resort duy nhất trên đảo mang tên Manihi Pearl Beach được tổ chức theo mô hình cho khách thuê những ngôi nhà lều trên bãi biển. Nhiều người dành những ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm Tuamotu để ở lại một mình tại Manihi như một “liều thuốc” cho cơ thể lẫn tâm hồn. Du khách cũng đừng quên chọn cho mình một món đồ trang sức bằng ngọc trai đen làm kỷ niệm.

Sự cô lập của Manihi lại là kho báu với nhiều du khách.

Hòa vào cuộc sống cộng đồng

So với quần đảo Society láng giềng, cuộc sống ở Tuamotu còn nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Vậy nhưng, người Polynesia trên các đảo vẫn sống rất thoải mái và hiếu khách. Việc gần gũi và thử trải nghiệm cuộc sống của họ là một phần quan trọng trong hành trình của nhiều du khách. Khách du lịch đừng ngần ngại mà hãy tham gia các hoạt động như lặn bắt cá, mò ngọc trai, hái dừa... cùng với người dân bản xứ. Có trải qua những hoạt động này thì bạn mới thật sự hiểu được con người, thiên nhiên ở mảnh đất này.

Trừ các sản vật đặc trưng của một số đảo, việc mua sắm của khách diễn ra phần lớn tại Rangiroa. Khu chợ ở Avatoru là nơi tập trung những loại hàng hóa được người dân các đảo lân cận tự khai thác, sản xuất như thủy sản, hoa quả, trang sức, đồ thổ cẩm, dầu dừa... Du khách nên để mắt đến những tấm vải pāreu đầy màu sắc. Các bà, các chị dùng pāreu quấn quanh mình thay váy, hoặc dùng nó như tấm khăn quàng cổ, khăn đội đầu. Những khách du lịch biết tiếng Pháp càng nên đến chợ. Các bà, các cô tiểu thương với khách mua mặc cả với nhau mà ăn nói vần vè như là đối đáp thơ vậy.

Do ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp mà người Tuamotu cũng ăn mừng nhiều lễ hội châu Âu. Ngày lễ lớn nhất trong năm của họ là Giáng sinh. Trái với hình ảnh quen thuộc với nhiều người, Giáng sinh tại Tuamotu diễn ra trong cái nắng nhẹ cuối hè. Nhiều gia đình có con cháu đi làm ăn xa nay trở về đoàn tụ. Những ngôi làng tổ chức lễ rước, trò chơi dân gian cho tất cả mọi người. Đây cũng là thời điểm mà nhiều khách sạn, resort tổ chức chương trình giảm giá nhằm đón khách đi “trốn” cái lạnh phương Bắc.

Mặt khác, người bản địa cũng đang phục hồi và gìn giữ nhiều lễ hội Polynesia truyền thống, trong đó có lễ Heiva nổi tiếng. Không chỉ riêng Tuamotu mà tại Tahiti, Gambier... người ta cũng tổ chức Heiva và coi nó như một dịp để người Polynesia phô diễn những nét truyền thống đặc sắc nhất của mình. Lễ hội diễn ra trọn tháng 7 hằng năm, và trong thời gian đó các ca sĩ, nhạc công, thợ thủ công sẽ tập trung tại những hòn đảo lớn nhằm phô diễn tài năng của mình.

Đây là dịp duy nhất để du khách thưởng thức một số loại hình biểu diễn truyền thống của người Polynesia như đồng diễn trống hoặc là nhảy 'upa'upa. Ngoài ra, còn có những hoạt động bên lề lễ hội như carnival, thể thao bãi biển, thi lướt sóng, đua thuyền... Du khách cần chú ý đặt phòng trước vài tháng kẻo không còn chỗ nghỉ. Ngoài ra, với một số lễ hội mang đậm tính tâm linh, du khách cũng nên giữ khoảng cách để bảo đảm an toàn cho mình.

Vũ Hội

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 28/04/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT