Hành trang lữ khách

Tục đón bạn và giã bạn dịp lễ hội xuân của người Tày, Nùng

Cập nhật: 17/02/2021 10:30:49
Số lần đọc: 698
Sau Tết Nguyên đán, đồng bào vùng cao non nước Cao Bằng lại nô nức tổ chức lễ hội đầu xuân. Lễ hội xuân ở Cao Bằng mang đậm bản sắc, trong đó, trước và sau hội xuân, người Tày, Nùng có tục đón bạn và giã bạn. Đây là nét văn hóa ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Trước kia, người Tày, Nùng ở Cao Bằng sống trong từng bản làng lẻ loi, heo hút giữa khung cảnh thiên nhiên bao la, hùng vỹ nên họ luôn đề cao sức mạnh cộng đồng để sống dựa vào nhau, cùng bảo vệ lẫn nhau, cùng chung sức, đồng lòng đấu tranh với các thế lực siêu nhiên. Họ thường xuyên giữ mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm và mong muốn có thêm bạn bè để học hỏi lẫn nhau, họ kết thân với người xung quanh để giúp nhau trong cuộc sống. Sự giao du rộng rãi, sự kết thân chân thành và tình cảm quý mến dành cho con người của người Tày, Nùng đã trở thành nét văn hóa truyền thống riêng giàu bản sắc dân tộc.

Luôn coi con người là vốn quý nên trong các phong tục, tập quán và nghi lễ, người Tày, Nùng bao giờ cũng tiến hành khi mời đông đủ anh em, họ hàng, làng xóm đến cùng chia sẻ, chung vui. Đặc biệt vào dịp Tết đến, xuân về là mùa của lễ hội càng mang nhiều ý nghĩa hơn bởi đây không chỉ là thời gian bà con nghỉ ngơi, vui chơi, cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt mà còn là dịp mời bạn đến làng mình tham gia lễ hội, thăm hỏi gia đình và sinh hoạt ca hát.

Mỗi năm vào ngày hội xuân của xóm, xã, các gia đình, cá nhân mời bạn vùng khác sang chơi. Nhiều xóm, làng gần nhau sẽ bố trí tổ chức hội xuân so le để nhiều người bạn và người ở làng lân cận có thể lần lượt đi dự hội xuân đầu năm mới. Trong các hoạt động của hội xuân, tục đón bạn và giã bạn của người Tày, Nùng trở thành một tục lệ đẹp, nhất là cách đón bạn và giã bạn đến chơi hội xuân.

Nghệ nhân Ưu tú Thang Văn Thụ (Quảng Hòa) là người am hiểu về văn hóa Tày, Nùng và lễ hội truyền thống cho biết: Người Tày, Nùng thường có tục kết “tồng” (kết bạn); tục nhận họ (nhận người ở xa cùng họ với mình kết làm anh em như người thân trong nhà). Cũng có những xóm, làng kết nghĩa với nhau, khi địa phương tổ chức hội xuân, việc đón tiếp trong ngày hội xuân thường diễn ra từ chiều hôm trước.

Khi có bạn ở nơi xa đến, chủ lễ hội cùng dân làng ra chào đón. Những người bạn riêng của gia đình hoặc cá nhân cũng được gia đình đón tiếp niềm nở trong sự vui mừng. Nếu đoàn khách đông và đi chung thì địa phương và gia chủ thường tổ chức đón tiếp, ăn uống chung tại nơi sinh hoạt văn hóa của xóm hoặc nhà chủ lễ. Trong đêm trước ngày hội, chủ nhà và các bạn phương xa sẽ tổ chức hát lượn thâu đêm, ngày hôm sau, khách đi thăm hỏi các gia đình rồi mới đi chơi hội.

Khách phương xa và gia chủ đến chung vui cùng nhau khoe sắc, khoe tài trong bộ trang phục truyền thống và cùng ca lên những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm, thấm đượm hồn quê. Qua những đêm hát hội và chơi hội xuân, các xóm, làng, gia đình, cá nhân kết bạn, kết thân, qua thời gian trở nên ân nghĩa truyền đời qua nhiều thế hệ. Các làng, gia đình kết bạn với nhau sẽ coi nhau như anh em, cùng nhau đùm bọc, sẻ chia buồn, vui trong cuộc sống, lao động hằng ngày.

Điều đẹp nhất của văn hóa đón bạn và giã bạn của người Tày, Nùng trong hội xuân chính là sự tinh tế, ý nhị trong cách ứng xử, trong tâm tư, sự mến khách, chân thành. Ngay khi khoảnh khắc gặp mặt, người Tày, Nùng thường mượn những hình ảnh đẹp để thay lời mời chân thành và bày tỏ sự hiếu khách như: “Thua cẳn moóc tỏa bản/Cần tồn tôi én nhạn xo cảng/Khéc lạ khảu tua rườn mà lẩy/Mởi cần táng bản mà lai điếp…”.

Tạm dịch: “Đầu hôm mây che bản/Đồn có đôi chim nhạn qua đêm/Có khách vào nhà về chơi/Mời người khác làng tới bao thương mến…)”. Những người bạn đến chơi không chỉ đem theo sự nhiệt tình, sự yêu mến gia chủ mà cũng dành những lời hay, ý đẹp chúc mừng gia chủ và xóm làng: “Củ tin thâng nẩy sị chồm tổng/Chồm mừa khóp Nam Bắc Tây Đông/Khẩu nặm sinh thành đa bách cốc/Tỉ nẩy hất kin hơn tỉ cần…”. Tạm dịch: “Cất chân tới đây mừng làng xóm/Mừng khắp Nam Bắc đến Tây Đông/Thóc gạo dư thừa cùng bách cốc/Đất này làm ăn khá nhất vùng…)”.

Tục đón bạn và giã bạn của người Tày, Nùng còn là nét văn hóa giàu bản sắc trong cách ứng xử khéo léo, tế nhị, kín đáo với các làn điệu mời nước, mời trầu chân tình, nồng thắm mỗi khi có khách đến chơi nhà. Cùng nhau uống chén rượu mừng xuân, mừng hội, vui bầu bạn... rồi hát lượn cả ngày lẫn đêm.

Đến lúc giã bạn, tình cảm được nhắn gửi qua các làn điệu chia tay giã bạn đầy bịn rịn, quyến luyến: “Từ vằn ẻn cắp nhạn ngộ căn/Điếp thâng bạn nậu bjoóc xuân thiên/Mèng pjảc bjoóc mủa xuân hăng mự/Puồn lai dú quẹng nắm mì bạn”. Tạm dịch: “Từ ngày én nhạn gặp nhau/Nhớ bạn nụ hoa thắm ngày xuân/Nay ong lìa hoa xuân sầu xa cách/Buồn lắm vắng vẻ không có bạn..”. Để rồi kết thúc bằng những lời hứa hẹn tha thiết “đến hẹn lại lên” trong mùa hội xuân năm sau tới hội ngộ.

Tục đón bạn và giã bạn của người Tày, Nùng là tục lệ đẹp tham gia một cách toàn diện vào lễ hội, từ phần lễ nơi thâm nghiêm cho tới phần hội sôi động, từ trung tâm làng cho đến từng gia đình. Sự tham gia ấy khiến cho ngày hội xuân của đồng bào Tày, Nùng trở thành dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tục đón bạn, giã bạn là yếu tố, hoạt động không thể thiếu trong hội xuân của các xóm, làng miền non nước Cao Bằng. Qua đó, những người đi trước trao truyền cho thế hệ sau những di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp để bảo tồn, gìn giữ, phát huy đến hôm nay và mai sau./.

Xuân Lam

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục