Hoạt động của ngành

Tuyên Quang: Năng Khả giữ gìn nhà sàn gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 17/11/2020 10:48:16
Số lần đọc: 906
Xã Năng Khả (Na Hang, Tuyên Quang) là nơi có lợi thế về phong cảnh tự nhiên, hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng và phong phú với khu bảo tồn Phiêng Bung. Người Tày nơi đây vẫn lưu giữ được những nét truyền thống của ngôi nhà sàn. Từ năm 2016, ngành Văn hóa -Thông tin huyện đã lồng ghép nhiều chương trình, đưa du lịch cộng đồng vào hoạt động, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập và gìn giữ nét kiến trúc cổ trong ngôi nhà sàn.


Một cơ sở Homestay ở xã Năng Khả (Na Hang).

Ngôi nhà sàn của ông La Văn San (dân tộc Tày), thôn Nà Khá được xếp vào “top” những căn nhà sàn đẹp của xã. Năm 2016, gia đình ông San được UBND huyện chọn để phát triển du lịch cộng đồng (du lịch homestay). Ông đầu tư 130 triệu đồng chỉnh trang ngôi nhà, mua thêm vật dụng như chăn màn, các đồ dùng sinh hoạt cá nhân, ngăn chia các phòng thành khu khép kín nhưng không phá vỡ nét kiến trúc 3 gian 2 trái của ngôi nhà. Hiện nay, gia đình ông có thể đảm bảo cho trên 20 khách nghỉ lại, giá trung bình từ 60 đến 100 nghìn đồng/ngày/người tùy theo nhu cầu. Giờ đây, ngôi nhà sàn không chỉ là nơi ở của gia đình mà còn có thể tạo ra thu nhập nhờ làm du lịch.

Trong căn nhà mới sửa lại khang trang, sạch sẽ, anh Hoàng Văn Hùng, thôn Nà Vai cho biết, trước đây, anh và mọi người đều nhận được sự truyền dạy từ ông bà phải biết trân quý ngôi nhà sàn như người thân trong gia đình. Hiện nay, khi du lịch homestay có cơ hội phát triển, anh và nhiều hộ dân đã bỏ vốn ra cải tạo lại ngôi nhà, tuy mới đưa vào hoạt động, nhưng dịch vụ homestay của gia đình đã đón nhiều đoàn khách đến lưu trú.

Ngôi nhà sàn của người Tày có đặc trưng là rộng rãi, chia thành nhiều gian, mỗi gian sẽ có một chức năng riêng. Nhà sàn ở xã Năng Khả đều được lợp bằng lá cọ, sử dụng các loại gỗ có độ bền cao, phía dưới nhà sàn, thường có một cái máng để đựng nước, khi khách đến chơi nhà có thể rửa tay, chân. Cầu thang lên nhà thường là 9 bậc. Người Tày ở đây quan niệm mỗi bậc thang tượng trưng cho một vía của người phụ nữ đang sống trong ngôi nhà, nếu làm bậc cầu thang là số lẻ thì mọi người trong nhà đều bình yên và may mắn. Ngày xưa, gầm sàn là nơi để các dụng cụ sản xuất và nuôi nhốt gia súc, gia cầm nhưng nay bà con đều có ý thức giữ gìn vệ sinh, nên gầm nhà sàn chỉ để xe và các đồ dùng trong nhà. Bà Đỗ Thị Thủy, tổ 14, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang), người đã được trải nghiệm dịch vụ homestay ở Năng Khả cho biết: “Lên Năng Khả, được ở nhà sàn, được câu cá, tham quan và trải nghiệm những nét kiến trúc trong ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, tôi cảm thấy chuyến đi thật sự ý nghĩa. Mong người dân nơi đây luôn gìn giữ những ngôi nhà sàn để nhiều người biết đến nét văn hóa xứ Tuyên rất đa dạng, phong phú”.

Những ngôi nhà sàn đẹp ở Năng Khả tập trung chủ yếu ở thôn Nà Khá, Nà Vai, Nà Chang, Nà Reo... Mỗi thôn có khoảng chục ngôi nhà sàn. Hiện nay, toàn xã có 13 hộ gia đình sử dụng nhà sàn để phát triển du lịch homestay. Bà Lương Thị Linh, Trưởng thôn Nà Khá cho biết, từ ngày du lịch homestay phát triển, người Tày ở đây càng trân quý và bảo nhau giữ gìn ngôi nhà sàn của gia đình. Thôn Nà Khá đã thành lập Câu lạc bộ hát Then. Người dân cùng nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa để những ngôi nhà sàn ngày càng trở nên khang trang, sạch đẹp.

Đồng chí La Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Năng Khả cho biết thêm, trong nhịp sống hối hả được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt trong những nếp nhà sàn truyền thống thật là những giây phút thư giãn, thoải mái, quên đi bao lo âu. Năng Khả là xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện, chính quyền xã sẽ tiếp tục quan tâm tuyên truyền đến nhân dân nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó luôn coi trọng và giữ gìn những ngôi nhà sàn truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Bài, ảnh: Lê Duy

 

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục