Uông Bí (Quảng Ninh) - Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với du lịch
Hiện trên địa bàn TP Uông Bí có 29 di tích các loại, 31 di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, ngữ văn dân gian... Góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích trên địa bàn, thành phố đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, du khách nắm rõ, tham gia vào công tác bảo tồn một cách hiệu quả. Cũng từ đó, nhận thức của người dân cũng như du khách đã thay đổi rõ nét trong việc quảng bá cũng như giữ gìn, bảo vệ hình ảnh các di sản, danh thắng.
Tiến tới việc khai thác tiềm năng sản phẩm du lịch cộng đồng, thành phố tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y ở xã Thượng Yên Công thông qua việc bảo tồn nghề thêu thủ công truyền thống, ẩm thực của địa phương và các giá trị văn hóa, nghệ thuật, điển hình là các làn điệu dân ca. Việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy, truyền dạy văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Y cũng hướng đến mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời. Đây là nơi ra đời Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, mang đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian qua, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử đã được quan tâm đầu tư, tôn tạo nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của khu di tích. Hiện nay, ngoài các dự án thành phần thuộc Đề án mở rộng và phát triển khu di tích theo Quyết định 334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cũng đang chỉ đạo tiếp tục triển khai, hoàn thiện khu trung tâm lễ hội và dịch vụ du lịch mang sắc thái riêng, xứng tầm là Khu di tích quốc gia đặc biệt, trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Nhằm bảo tồn Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, phát huy các giá trị tâm linh, thu hút du khách, Uông Bí đã trùng tu, tôn tạo hệ thống chùa như: Chùa Trình, Giải Oan, Vân Tiêu, Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Hoa Yên... bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào cơ sở hạ tầng ở khu di tích. Cụ thể như: Dự án Khu trung tâm lễ hội và dịch vụ du lịch tại bến xe Giải Oan do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm làm chủ đầu tư, với nguồn kinh phí trên 2.000 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục, như: Khu trung tâm lễ hội, quảng trường sân lễ hội, khu đón tiếp, khu trưng bày triển lãm, khu dịch vụ... Trong đó, khu trung tâm lễ hội đi vào hoạt động từ đầu năm nay, khởi đầu với việc tổ chức lễ khai hội xuân Yên Tử trong một không gian mới, đẹp, hiện đại hơn. Hay có thể kể đến làng hành hương Yên Tử, nơi du khách được trải nghiệm không gian của làng Việt thông qua các làn điệu ca - múa - nhạc dân tộc và thưởng thức những món ăn dân gian mang đậm hồn quê, như: Bánh chưng nếp cẩm, bánh gio, bánh lá gai...
Gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa, TP Uông Bí đang từng bước phát huy thế mạnh các giá trị văn hóa trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến và khẳng định thương hiệu du lịch của Uông Bí theo hướng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch xanh và bền vững; kết nối Uông Bí với các trung tâm du lịch trong, ngoài tỉnh, các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, quốc tế./.