Tin tức - Sự kiện

Văn hoá là động lực, tạo bước đột phá về năng lực cạnh tranh du lịch

Cập nhật: 22/06/2023 16:51:58
Số lần đọc: 374
Tài nguyên văn hóa là nguồn vốn quý giá phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế du lịch. Những thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua cho thấy, Việt Nam đang hình thành cơ chế chuyển hóa “tài nguyên mềm” văn hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa, để có thể khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong mọi mặt, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.


Múa rối nước, nét văn hóa truyền thống dân gian độc đáo. (Ảnh: Asiantravel)

Mục tiêu vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu

Vào thời điểm du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhất trước dịch là năm 2019, các con số thống kê cho thấy nước ta đã có nhiều dấu hiệu đột phá về năng lực cạnh tranh. Đơn cử, theo Tổng cục Du lịch, tổng thu từ ngành Du lịch thời điểm đó đã đạt tới 700.000 tỷ đồng, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt tới 18 triệu lượt.

Theo đó, Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố cũng chỉ ra, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam cải thiện đáng kể, từ hạng 67/136 lên hạng 63/140, tăng 4 bậc so với năm 2017. So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, xếp hạng của du lịch Việt Nam tăng đáng kể so với Thái Lan (tăng 3 bậc), Campuchia (tăng 3 bậc), Indonesia (tăng 2 bậc), Singapore (giảm 4 bậc), Malaysia (giảm 3 bậc) và Lào (giảm 3 bậc).

Sự phát triển vượt bậc của ngành Du lịch thời điểm bấy giờ có liên quan mật thiết tới sự phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa. Nguyên nhân tất yếu là bởi một nền du lịch phát triển không thể tách rời khỏi những giá trị văn hóa, từ các yếu tố như văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa, sản phẩm văn hóa, du lịch văn hóa, cho đến văn hóa ứng xử, ý thức văn hóa…

Từ đó đến nay, phát triển công nghiệp văn hóa đang được nhìn nhận như một ngành kinh tế có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường trong và ngoài nước của Việt Nam. Những thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua cũng cho thấy nhận thức sâu sắc về “tài nguyên văn hóa là nguồn vốn quý giá phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế du lịch”.

Do đó, Việt Nam đã và đang hình thành cơ chế chuyển hóa “tài nguyên mềm” văn hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa nhằm cung cấp nền tảng giá trị vững chắc, thúc đẩy việc khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, đặc biệt trong phát triển du lịch một cách thực chất, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch nước nhà trong bối cảnh mới.

Một văn kiện quan trọng là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết số 08). Trong đó, văn bản đã xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trong phát triển du lịch bền vững, đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vừa phát huy các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo đảm sự hài hòa cả xã hội, việc làm, an ninh và quốc phòng.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/05/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Theo Nghị quyết này, để ngành Du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch…

Văn hóa “định vị” du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. (Ảnh: Vietnamtravel)

Vai trò quan trọng của ngành văn hóa

Cũng theo Nghị quyết 82/NQ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh thị trường du lịch nội địa, tạo nền tảng cho tăng trưởng bứt phá trong ngắn hạn. Đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh; tăng cường nghiên cứu, nắm bắt những xu hướng du lịch mới và đưa ra các chính sách kịp thời, phù hợp. Ngoài ra, các nhiệm vụ khác bao gồm phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tham gia vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đa sắc màu văn hóa địa phương, vùng miền; đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó coi trọng du lịch văn hóa.

Thực tế cho thấy, việc phát huy các giá trị văn hóa, nguồn tài nguyên văn hóa vẫn còn tương đối hạn chế tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đơn cử, trong Hội thảo khoa học “Khai thác tiềm năng và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch bền vững vùng Đông Nam Bộ”, do Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức tại TP HCM mới đây, nhiều nhà nghiên cứu đã cho ý kiến, “việc phát huy các giá trị văn hóa để phát triển du lịch ở Đông Nam Bộ thời gian qua vẫn chưa tương xứng với những giá trị văn hóa mà vùng đất này sở hữu.

Thậm chí, trong quá trình khai thác, một số nơi còn để lại nhiều hệ lụy đe dọa đến sự phát triển bền vững; du lịch vùng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển”. Theo đó, bởi các địa phương vùng Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, có nhiều nét tương đồng, giao thoa về văn hóa nên cần phải có “những góc nhìn đột phá, sáng tạo trong việc nhận diện các điểm nhấn văn hóa và khai thác tài nguyên văn hóa” để phát triển du lịch bền vững vùng này. Cũng theo các nhà nghiên cứu, song song với việc bảo tồn các giá trị truyền thống. Nhà nước và chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch và chú trọng nguồn nhân lực phát triển du lịch.

Đây chỉ là một vùng trong số nhiều địa phương trên cả nước đang rất cần sự quan tâm sâu sắc hơn của các cơ quan chức năng thông qua việc hình thành và phát triển những cơ chế pháp lý phù hợp, những hướng dẫn cụ thể, nhằm phát huy giá trị văn hóa hiệu quả, bền vững trong du lịch. Cơ chế, chính sách hợp lý cùng với nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa chính là những yêu cầu, điều kiện cần thiết để văn hóa phát huy được sức mạnh to lớn của mình, nhất là sức mạnh “định vị” trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, giao thoa văn hóa.

Một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc chính là động lực và nguồn lực nội sinh góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ làm công tác văn hóa phải hết sức quan tâm, chú trọng, dành nhiều thời gian và sự tâm huyết để chăm lo, xây dựng nền văn hóa dân tộc: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến và phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”, “Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”,…

Đỗ Trang

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam - baophapluat.vn - Đăng ngày 21/06/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT