Hoạt động của ngành

Văn Lãng (Lạng Sơn): Bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa

Cập nhật: 07/01/2021 08:22:32
Số lần đọc: 721
Thời gian qua, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Qua đó, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân.

Văn Lãng hiện có 43 điểm, khu di tích trong đó có 22 di tích lịch sử, 11 di tích danh lam thắng cảnh và 10 di tích kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt, có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh.

Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) huyện Văn Lãng cho biết: Những năm qua, Phòng VHTT huyện đã tham mưu cho UBND huyện, ban hành các văn bản quản lý Nhà nước đối với các di tích. Trong đó, trọng tâm là Kế hoạch số 537/KH – UBND ngày 23/3/2017 về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, phòng phối hợp tiến hành tổng kiểm tra hệ thống di tích, cơ sở hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng

Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân về ý nghĩa của di tích, bảo vệ, phát huy giá trị di tích được huyện chú trọng chỉ đạo thực hiện. Ban Quản lý di tích, các cấp chính quyền và đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên phối hợp tuyên truyền với nhiều hình thức như: Thông qua các buổi họp thôn, khu phố, các hoạt động văn hóa, qua hệ thống loa truyền thanh xã, thị trấn… Trong 5 năm qua (2016-2020), huyện đã tuyên truyền lồng ghép được trên 200 buổi, thu hút trên 10.000 lượt người nghe.

Cùng đó, hằng năm, Phòng VHTT thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là Huyện đoàn và các đơn vị trường học, các tổ chức đoàn thể giáo dục, tuyên truyền, ngoại khóa tại các di tích lịch sử, văn hóa. Từ đó, góp phần phát huy giá trị trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho thế hệ trẻ.

Hiện nay, các xã, thị trấn có di tích đều được hướng dẫn thành lập ban quản lý di tích, xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của ban quản lý di tích phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Về công tác quản lý Nhà nước, hằng năm huyện luôn chủ động trong việc hướng dẫn các xã, thị trấn chỉ đạo thành lập và hướng dẫn ban quản lý các di tích hoạt động theo đúng quy chế, có hiệu quả đối với các di tích được xếp hạng.

Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, nhiều di tích trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, tôn tạo như: chùa Thanh Hương, xã Tân Mỹ; chùa Tân Thanh, xã Tân Thanh; Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, xã Hoàng Văn Thụ… Ước tổng kinh phí cho công tác tôn tạo các di tích trên hơn 11 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng góp ngày công lao động cùng các nguồn xã hội hóa, nguồn cung tiến với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng. Song song với đó, huyện đã thực hiện khoanh vùng, bảo vệ 9 di tích đã xếp hạng và lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 di tích trên địa bàn.

Nhiều di tích sau khi được đầu tư, tôn tạo đã góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch. Tiêu biểu, hiện nay huyện có 2 điểm di tích được công nhận là điểm du lịch của tỉnh gồm: chùa Tân Thanh và Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đây cũng là những điểm thu hút đông khách du lịch.

Anh Vy Luận Cương, Quản lý di tích Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ cho biết: “Khu di tích được đầu tư nâng cấp khang trang, đồng bộ nên khách du lịch cũng đến đây nhiều hơn. Năm 2019, khu lưu niệm đã đón 234 đoàn khách với gần 6.000 lượt người (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018). Năm 2020, sau khi dịch Covid-19 lắng xuống Khu di tích đón 160 đoàn khách với gần 5.000 lượt người. Cùng đó, người dân trên địa bàn rất có ý thức bảo vệ di tích. Định kỳ hằng tháng, quý các hội, đoàn thể tại các thôn, xóm gần di tích, hoặc các trường học trên địa bàn đều cử thành viên thay phiên nhau quét dọn vệ sinh khu di tích”.

Thời gian tới, các cấp, ngành của huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia bảo vệ, không xâm phạm đến di tích. Đặc biệt, thực hiện nhiều giải pháp ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích. Đồng thời, tiếp tục quảng bá, tuyên truyền tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị các di tích lịch sử  –  văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hoá…

TUYẾT MAI
Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục