Hoạt động của ngành

Du lịch Vĩnh Long- chuẩn bị chặng đường mới

Cập nhật: 06/01/2021 07:54:47
Số lần đọc: 781
Nhìn lại một năm du lịch hầu như “đóng băng” vì đại dịch COVID-19 và ngay cả khi cả thế giới đang bước vào cuộc đua vắc xin, thì những người lạc quan nhất cũng không thể đưa ra những dự đoán sáng sủa cho ngành du lịch trong năm 2021, khi mà số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, đã vượt con số 83 triệu.

Khuyến khích các cơ sở, điểm du lịch xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng để phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm và hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Khu sinh thái và khu trò chơi trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng homestay Hoàng Hảo.

Một thách thức và gánh nặng khủng khiếp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch của Vĩnh Long. Nhưng chính trong hoàn cảnh đặc biệt này, ngành du lịch càng cần phải có những hành động quyết liệt, những bước chuẩn bị sẵn sàng cho chặng đường mới đầy thách thức.

Chủ động ngay từ bây giờ

Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, có thể khẳng định chưa bao giờ ngành du lịch Vĩnh Long cũng như cả nước có một biểu đồ “âm” kéo dài và giảm sâu như năm 2020 và dự đoán là cả một năm mới khó lường.

Vấn đề là mọi hy vọng đều hướng về tương lai và tin tưởng vào hệ thống y tế thế giới sớm có những giải pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch.

Việt Nam đã chứng minh là nước đã ứng phó và kiểm soát tốt; nhưng vẫn còn đó những tình huống bất ngờ làm cho tình hình dịch bệnh ở nước ta thời điểm bước vào năm mới lại trở nên phức tạp, khó lường.

Có thể xem giai đoạn này là “khoảng lặng đáng sợ” của ngành du lịch, mà Vĩnh Long đã có bước đi đón đầu tích cực trong công tác khảo sát, rà soát tổng thể tình hình hoạt động, từ đó định lại hướng đi.

Đặc biệt là xây dựng những đề án lớn, có đủ sức, đủ tầm tạo nên một dòng du khách mới trong, ngoài nước đổ về Vĩnh Long trong tương lai.

Ông Phan Văn Giàu- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng.

Định hướng các sản phẩm đặc thù Vĩnh Long sẽ là: du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề và du lịch văn hóa”. Đề án này được triển khai thành 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1 (năm 2020- 2021), triển khai xác định sản phẩm đặc thù có thể áp dụng cho phát triển du lịch để các cấp, ngành, các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đồng thuận các sản phẩm đặc thù của tỉnh có thể áp dụng cho phát triển du lịch là 590 triệu đồng (từ ngân sách nhà nước).

Giai đoạn 2 (năm 2022- 2025), xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch đặc thù. Hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước tỉnh là 390 triệu đồng, về xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chưa có thương hiệu theo quy định của tỉnh và vận động doanh nghiệp đóng góp 710 triệu đồng.

Ông Phan Văn Giàu cho biết, trước hết là tăng cường tuyên truyền trong hệ thống chính trị, các doanh nghiệp du lịch, du khách và nhân dân nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm đặc thù của Vĩnh Long.

Qua đó, để mọi người hiểu, trân trọng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, tích cực tham gia truyền thông và hưởng ứng sử dụng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

Cần những giải pháp quyết liệt

Ông Phan Văn Giàu nhấn mạnh: “Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh chính sách kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các loại hình du lịch đặc thù của tỉnh; có chính sách hỗ trợ những cơ sở, hộ gia đình chuyển đổi mô hình thuần sản xuất nông nghiệp, hoạt động sản xuất làng nghề sang gắn kết với hoạt động du lịch”.

Từ đó, tranh thủ từ các nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng bến tàu du lịch của tỉnh, nâng cấp hệ thống các bến tàu hiện có, nạo vét kinh Mương Lộ- sông Cái Muối.

Tập trung xã hội hóa xây dựng hệ thống các trạm dừng chân trên bờ dọc theo các tuyến du lịch nhằm kết nối giao thông thủy và giao thông đường bộ thuận tiện trong hình thành các tour- tuyến du lịch. Xây dựng tuyến tham quan sản phẩm du lịch đặc thù và đầu tư các biển chỉ dẫn ở tất cả các khu- điểm du lịch trong tỉnh.

Trải nghiệm đánh bắt cá và chế biến món ăn tại chỗ hấp dẫn khách nội địa của Điểm du lịch Mekong Reverside Homestay.

“Tuy nhiên, Vĩnh Long cần quan tâm hơn việc phối hợp cùng các thành viên trong hội đồng vùng liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh- thành ở ĐBSCL, để hình thành nên các tour- tuyến du lịch chung, nhưng phải gắn với sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh để giới thiệu cho các đơn vị lữ hành, khách du lịch trong và ngoài nước, qua đó nâng cao giá trị, sức cạnh tranh, tạo thương hiệu riêng của du lịch Vĩnh Long”- ông Phan Văn Giàu nhấn mạnh.

Để đạt được mục đích này, chính các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh phải liên kết chặt chẽ dựa trên sự đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, hợp tác cùng có lợi với nhau và cùng vì thương hiệu du lịch của tỉnh. Đảm bảo khi phối hợp xây dựng các tour- tuyến du lịch phải có sự liên kết hài hòa các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm bổ sung, đa dạng hóa, tạo sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch địa phương đối với khách du lịch.

Bàn về giải pháp thông tin, xúc tiến du lịch, ông Nguyễn Khắc Khoan- Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch- cho rằng: “Cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù trên các phương tiện truyền thông; trực tuyến trên cổng thông tin du lịch; mạng xã hội (zalo, facebook…) để đưa nét đẹp du lịch Vĩnh Long đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước. 

Ngoài ra, thực hiện thông qua các sự kiện của ngành, tỉnh, khu vực; thông qua hình thức cổ động trực quan, chương trình du lịch, ấn phẩm du lịch theo thị trường nội địa và quốc tế tại các sự kiện thường niên về du lịch. Phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long tổ chức Famtrip để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh đến với du khách”.

Đồng thời, khuyến khích việc thành lập các chi nhánh, đại lý du lịch Vĩnh Long để giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh trên toàn quốc dựa trên cơ sở phân tích và đưa ra những định hướng chiến lược hợp lý trong thời gian tới.

Làm tốt công tác phối hợp xây dựng các tour- tuyến du lịch phải có sự liên kết hài hòa các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm bổ sung, đa dạng hóa, tạo sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch địa phương đối với khách du lịch.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Nguồn: Báo Vĩnh Long

Cùng chuyên mục