Hành trang lữ khách

Về xứ ''chùa vàng'' miền Tây

Cập nhật: 26/11/2024 11:56:59
Số lần đọc: 123
Ở khu vực miền Tây Nam bộ có rất nhiều ngôi “chùa vàng”, kiến trúc độc đáo với màu vàng đặc trưng của người Khmer nằm rải rác tại Trà Vinh, Sóc Trăng hay Bạc Liêu... Những ngôi chùa này có quy mô, kiến trúc hay lịch sử lâu đời không thua kém bất cứ ngôi chùa nào trên thế giới của cộng đồng Phật giáo theo dòng Nam Tông. Và đó cũng là nét văn hoá đặc sắc của các cộng đồng cư dân nằm ở hạ nguồn sông Tiền, sông Hậu.


Bức tượng Phật nằm ở chùa Som Rong cực kỳ độc đáo.

Di sản từ trăm năm

Theo một thống kê chưa đầy đủ (do vẫn được xây dựng tiếp tục) mới đây thì trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện có khoảng 150 ngôi chùa của người Khmer, biến địa phương này thành một trong những nơi có nhiều công trình kiến trúc “chùa vàng” nhất. Ngoài ra, ở Sóc Trăng và Bạc Liêu hay An Giang… cũng có hàng trăm ngôi chùa khác tạo thành một nhóm quần thể kiến trúc hết sức đặc biệt. Trong đó có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng, nằm ở khu vực trung tâm đô thị và đã là điểm đến du lịch hấp dẫn nhiều du khách nhưng cũng có nhiều ngôi chùa nằm ở vùng nông thôn ít người biết tới.

Nhưng dù có thế nào, điểm chung của các công trình kiến trúc này đều là chóp nhọn cao vút hướng lên trời và một màu vàng rực rỡ chủ đạo tạo vẻ uy nghiêm, rực rỡ. Nhiều ngôi chùa này, với tuổi đời vài trăm năm không đơn giản chỉ là địa điểm tâm linh gắn liền với Đức Phật Thích Ca mà còn là không gian văn hoá, sinh sống, học tập cũng như tinh hoa về kiến trúc, nghệ thuật… của cộng đồng người Khmer. Tới nay, có nhiều ngôi chùa đã được Nhà nước công nhận là các công trình Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia như chùa Âng, chùa Hang, chùa Rơi, chùa Mẹt, chùa Xiêm Cán…

Nổi tiếng và mang đầy đủ những tinh hoa trong kiến trúc của người Khmer có lẽ chính là chùa Hang (trong tiếng Khmer là Kompông Chrây), ngôi chùa hơn 350 năm tuổi đời nằm ven quốc lộ 54 đoạn đi qua thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, Trà Vinh). Chùa chỉ cách thành phố Trà Vinh chừng 5 cây số nên được nhiều người biết tới, bao gồm cả khách du lịch nước ngoài. Theo những người Khmer ở đây thì chùa Hang được xây dựng và trải qua nhiều tu sửa do thời gian và chiến tranh. Hiện chùa có quy mô không quá lớn so với những ngôi chùa khác bởi kiến trúc hiện tại được xây dựng và giữ gần như nguyên vẹn từ khoảng năm 1977.

Điểm nổi bật nhất của ngôi chùa chính là cánh cổng vòm sâu như ba cái hang, gồm hai hang phụ và một hang chính ở giữa. Thực tế đó chính là bức tường vòm có bề rộng khoảng 12 mét nên nhìn như cái hang. Các cổng hình hang này được xây dựng cực kỳ kiên cố theo kiến trúc cổ xưa của người Khmer. Đó cũng là nguyên nhân người dân trong vùng gọi là chùa Hang. Qua khỏi cổng hang là hàng cây và vườn cây cổ thụ cao xanh mát đặc trưng của hầu hết các ngôi chùa Khmer. Tiếp đó, chánh điện chùa nằm trong toà nhà có nền khá cao bởi nhiều người dân cho biết hàng trăm năm trước, phía trước chánh điện từng là một con sông nhỏ nhưng hiện đã bồi lấp. Dù quy mô không lớn nhưng chánh điện chùa Hang vẫn toát lên vẻ uy nghiêm, cổ kính nhờ màu vàng rực rỡ và rất nhiều tượng Phật Thích Ca lớn nhỏ. Điều đặc biệt nhất ở chùa Hang là một xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ của những nghệ nhân người Khmer trong vùng. Vì thế, chùa còn có nhiều tượng gỗ điêu khắc rất đẹp thu hút khách thập phương tìm tới.

Màu vàng đặc trưng và nổi bật trong các ngôi chùa người Khmer ở miền Tây Nam bộ.

Cách đó gần 10 cây số, cũng nằm ở huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) là một ngôi chùa Khmer độc đáo và khác lạ, chùa KnongSrok nằm ven tuyến quốc lộ 53 đoạn đi qua xã Hoà Lợi. Chùa nổi bật vì nằm trên quốc lộ 53 và có hàng tượng hình người được đúc tinh tế trong trang phục đặc trưng của người theo Phật giáo đang đi khất thực. Các pho tượng có màu vàng chủ đạo, kích thước tương đương như người trưởng thành với nét mặt an nhiên xếp hàng đi bên hàng cây cao cổ thụ ngay trước cổng chùa tạo cho người ta cảm giác yên bình, nhẹ nhàng dù là ven đường quốc lộ. Khuôn viên trong chùa KnongSrok khá rộng, cũng gồm chánh điện màu vàng nghệ với những chóp nhọn cao và tượng Phật, tượng rắn Naga có 9 đầu trong văn hoá của Khmer. Điều đáng nói, ngôi chùa vẫn đang được tiếp tục xây dựng trang trí thêm những hạng mục khác để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng, học tập… của cộng đồng người Khmer trong vùng.

Nhưng nổi tiếng và lâu đời nhất ở Trà Vinh chính là chùa Âng nằm ở trung tâm thành phố Trà Vinh, thuộc quần thể di tích Ao Bà Om. Theo một số ghi chép thì chùa Âng có lịch sử tồn tại lên đến khoảng 1.000 năm tuổi, là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thủa sơ khai hầu hết chỉ còn trong ghi chép và các câu chuyện truyền lại. Hiện trạng kiến trúc cơ bản của chùa Âng chủ yếu được xây dựng từ thời vua Thiệu Trị và sau đó tiếp tục được trùng tu, mở rộng thêm nhiều lần nữa cho tới ngày nay. Hiện chùa Âng nằm trong một khuôn viên rộng lớn với rất nhiều cây cổ thụ có tuổi đời vài trăm năm, cũng là “nhân chứng sống” gắn với quần thể chùa, ao. Ngoài tính lịch sử lâu đời, kiến trúc chùa Âng cũng vô cùng độc đáo với màu vàng chủ đạo, có ở khắp các hạng mục trong chùa. Đặc biệt các hình hoạ điêu khắc tượng, tranh phật, tích phật ở chùa Âng có sự giao lưu với điêu khắc của cộng đồng Ấn Độ, Thái Lan… thể hiện sự giao thoa, hiểu biết từ khá xa xưa của cộng đồng người Khmer lúc xây dựng chùa.

Hiện nay, những sinh hoạt văn hoá lớn, đặc trưng nhất của cộng đồng người Khmer miền Tây Nam bộ đều được tổ chức ở quần thể chùa Âng và Ao Bà Om. Trong đó nổi bật là lễ hội Ok Bom Bok (còn gọi là lễ hội Cúng Trăng) với hàng chục ngàn du khách từ khắp nơi tìm tới. Thậm chí vài năm trở lại đây, tỉnh Trà Vinh còn tổ chức Tuần lễ Văn hoá-Du lịch của địa phương trùng với thời gian của lễ hội này để giới thiệu về văn hoá cũng như thắng cảnh của chùa Âng, Ao Bà Om tới với cộng đồng du khách thập phương. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của chùa, của văn hoá người Khmer trong cộng đồng và du lịch chung của tỉnh này.

Những ngôi “chùa vàng” không chỉ có ở Trà Vinh mà còn xuất hiện ở rất nhiều địa phương khác vùng sông nước Tây Nam bộ, trong đó tập trung nhiều ở Bạc Liêu và Sóc Trăng. Tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều ngôi chùa Khmer có kiến trúc màu vàng, màu vàng đan xen đã là địa điểm du lịch nổi bật được nhiều người biết tới như chùa Chén Kiểu, chùa Dơi, chùa Som Rong…

Trong đó chùa Som Rong nằm ở trung tâm thành phố Sóc Trăng thực sự là công trình kiến trúc lộng lẫy và đặc biệt. Chùa nằm trong khuôn viên rộng lớn có cổng trang trí bằng những toà tháp màu vàng, chánh điện chùa cũng có màu vàng cùng những chóp nhọn đặc trưng. Tuy nhiên, điểm nhất lớn nhất của chùa là khu vực sân rộng có hình bức tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn đang nằm nghiêng cực kỳ an nhiên và đẹp đẽ, tạo ra một không gian rất đặc biệt. Theo một số ghi chép, tượng dài tới 63 mét, cao 22,5 mét và nằm trên toà nhà cao 28 mét khiến cho bất cứ ai đứng trước cũng bị choáng ngợp.

Dù bức tượng có màu xanh ngọc bích và trắng nhạt nhưng nhìn chung màu sắc chủ đạo của quần thể chùa Som Rong vẫn là màu vàng rực rỡ, nhất là trong ánh bình minh hoặc hoàng hôn càng khiến cho chùa trở lên đặc sắc hơn. Đây có lẽ cũng là một trong công trình kiến trúc kỳ vĩ nhất của cộng đồng người Khmer ở vùng châu thổ Cửu Long Giang.

Có thể nói, cùng với sự quảng bá mạnh mẽ của internet, những ngôi chùa Khmer ở miền Tây Nam bộ ngày nay đang thực sự là không gian văn hoá, điểm đến ưa thích của các tour du lịch và cộng đồng khách trong nước, quốc tế. Nhìn nhận một cách công bằng có thể thấy, quần thể những ngôi chùa này có quy mô, sự đặc sắc về kiến trúc, lịch sử không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới.

Hàng tượng độc đáo ở chùa KnongSrok.

Gìn giữ tinh hoa truyền thống

Trong những ngày tìm hiểu về các ngôi chùa Khmer ở vùng đất Tây Nam bộ chúng tôi nhận thấy không chỉ có những ngôi chùa nổi tiếng, được xếp hạng di tích hay nhiều khách du ghé thăm mà còn hàng trăm ngôi chùa khác cũng có nét độc đáo, mang đậm dấu ấn, bản sắc của con người Khmer ở các cụm dân cư nhỏ hơn. Đó là lối kiến trúc vững chắc với các cột cao, chóp nhọn vươn thẳng lên trời cùng gam màu nóng rực rỡ với màu vàng là cơ bản nhất. Gần như toàn bộ các ngôi chùa lớn của cộng đồng người Khmer có chánh điện được tô màu vàng, hoặc vàng cam, vàng thẫm… Ngoài ra, các nghệ nhân người Khmer cũng sử dụng màu vàng pha chế để tạo thêm các màu khác rồi trang trí các ngôi chùa, hoạ tiết hay những phần khác trong chùa để chúng tạo thành một bức tranh tổng thể hài hoà về màu sắc.

Anh Thạch Suôn một thợ trang trí điêu khắc ở thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, Trà Vinh) cho biết các ngôi chùa luôn có màu vàng làm chủ đạo bởi trong văn hoá của người Khmer, màu vàng toát lên sự thịnh vượng và thông thái. Ngoài ra, người Khmer cũng tin rằng màu vàng là tượng trưng của Đức Phật, đi kèm với đó là sự từ bi, trí tuệ. Đây cũng là màu trang phục của những người theo đạo Phật giáo dòng Nam Tông. Ngoài màu vàng nguyên thuỷ, những ngôi chùa của người Khmer còn được trang trí bằng cách pha trộn màu vàng để tạo ra các màu sắc khác. Như màu cam (pha trộn giữa màu vàng và màu đỏ) tượng trưng cho ngọn lửa, giải thoát khổ đau hay màu xanh lá (pha trộn giữa màu vàng và xanh dương)… tượng trưng cho sự sinh sôi, tiếp nối.

Cũng theo anh Thạch Suôn, ngoài màu sắc thì chùa của người Khmer dù lớn hay nhỏ cũng được xây dựng theo các quy tắc nghiêm ngặt, đặc biệt là ngôi chánh điện. Theo đó, chánh điện luôn được xây dựng ở trung tâm khuôn viên chùa, bên cạnh khu nhà ở, nhà học tập, khu mộ an táng người đã khuất… Trong đó tinh hoa văn hoá kiến trúc được thể hiện ở ngôi chánh điện với chiều dài luôn gấp 2 lần chiều rộng, chiều cao luôn bằng chiều dài và tầng mái đầu tiên luôn bằng thân chùa.

Người Khmer trang trí hoạ tiết trong chùa.

Ngoài ra, chánh điện chùa luôn hướng về phía Đông bởi theo quan niệm Phật giáo dòng Nam Tông thì Phật Thích Ca ngự ở phía Tây nhìn ra phía Đông để ban phước báu. Đặc biệt, dù kích cỡ hay tư thế, kiểu dáng có khác nhau thì trong các chùa của người Khmer chỉ thờ duy nhất tượng Phật Thích Ca. Ngoài kích thước chùa thì các phần như mái, hiên luôn được xây dựng theo quy chuẩn của hình tam giác. Bởi theo quan niệm của người Khmer, hình tam giác là sự hoàn mỹ, chắc chắn của tự nhiên và đời sống nên các chi tiết thiết kế trong chùa luôn có sự xuất hiện hài hoà của những khối cạnh hình tam giác, dù là cao vút lên lên nằm thoai thoải như các mái vòm.

Bên cạnh các khối cạnh, màu sắc thể hiện văn hoá và đời sống tinh thần, một thứ không thể thiếu trong quần thể các ngôi chùa là những cây sao, cây dầu… trồng xung quanh. Hầu hết các ngôi chùa của người Khmer khi xây dựng cũng là lúc các hàng cây này được trồng lên. Vì thế, nhiều ngôi chùa có tuổi đời tương đương với những hàng cây cổ thụ trong chùa, như một nhân chứng sống truyền lại cho thế hệ sau.

Ngoài ra, các ngôi chùa của người Khmer còn có đặc điểm chung nổi bật là các hoạt tiết trang trí tinh xảo, độc đáo và sống động như rắn Naga, vũ nữ kenar, tượng mình người đầu chim… thể hiện quan điểm Phật giáo cũng như triết lý nhân sinh sâu sắc. Trong đó, rắn Naga có 9 đầu thường được xây dựng tại khu cầu thang, lối đi, cổng vào… với ý nghĩa xua đuổi tà ma, ám khí.

Theo quan niệm của người Khmer, rắn Naga có nhiều ý nghĩa sâu sắc như sự hài hoà giữa đạo và đời, con người và thiên nhiên, giữa thế giới này và thế giới khác. Rắn cũng được coi là thử thách của người tu hành trên con đường tu đạo với sự từ tâm để cảm hoá được loài vật nguy hiểm này. Ngoài ra, rắn Naga còn được xây dựng với các hình thái có 3, 5 hay 7 đầu để tượng trưng cho các ý nghĩa khác nhau trong đời sống của cộng đồng.

Ngoài kiến trúc và quan niệm nhân sinh quan sâu sắc, hầu hết tinh hoa của người Khmer đều được truyền lại cho thế hệ sau ở trong chính những ngôi chùa này. Theo đó, trong các sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo thì những thanh niên trẻ của người Khmer sẽ được người đi trước truyền lại và thường bắt đầu công việc bằng cách trang trí những hạng mục đã cũ của ngôi chùa. Đó là nguyên nhân cho thấy khi bước vào các ngôi chùa người Khmer người ta thường thấy màu sắc tươi mới bởi luôn được tô điểm lại một cách thường xuyên.

Có thể nói, với vùng châu thổ rộng lớn mênh mông sông nước như miền Tây Nam bộ, những ngôi chùa Khmer thực sự là điểm nhấn, là mốc son vàng chói lọi trong tinh hoa kiến trúc, nghệ thuật và văn hoá. Đó không chỉ gói gọn trong không gian sinh hoạt của cộng đồng người Khmer mà còn là không gian chung, điểm đến của tất cả người dân ở nhiều nơi khác, góp phần làm tự hào thêm đối với cộng đồng người Khmer trong bức tranh văn hoá chung của nhiều dân tộc khác.

Đoàn Đại Trí

Nguồn: Báo Đại đoàn kết - daidoanket.vn - Đăng ngày 24/11/2024

Cùng chuyên mục