Hoạt động của ngành

Vì yêu, người Hà Nội mang hương sắc Tây Bắc về Thủ đô

Cập nhật: 22/07/2021 08:30:12
Số lần đọc: 976
Mỗi khi lên miền núi là cảm thấy như về nhà. Có lẽ kiếp trước tôi là người miền núi, làm nghề dệt thổ cẩm nên nó thân thuộc như mình đang làm dở việc đó, giờ làm tiếp, mong hương sắc Tây Bắc vươn xa" - nhà sưu tầm Trương Thu Thủy bày tỏ.


Đến căn nhà nhỏ xinh mang tên “Chie Tây Bắc” tại 66 Hàng Trống, Hà Nội, bất cứ khi nào gặp bà chủ Trương Thu Thủy, bạn cũng sẽ được nghe những lời giới thiệu say sưa như thế khi bạn có bất cứ câu hỏi nào về văn hóa Tây Bắc.

Không chỉ có những sản phẩm may mặc thời trang được sáng tạo trên nền hoa văn thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Dao…, khách tham quan còn như lạc vào không gian sống của đồng bào miền núi phía Bắc. Nơi đây có sự hiện hữu dày đặc của những đồ vật gắn bó với đời sống của đồng bào, từ các tấm vải dệt, khung cửi, những chiếc gùi quen thuộc trên vai của phụ nữ miền núi, đến cây nêu, đồ dùng trong lễ cúng, trang sức bằng bạc tinh xảo...

Trương Thu Thủy cho biết, tình yêu với Tây Bắc đến rất tự nhiên dù cô sinh ra và lớn lên ở Thủ đô: “Chỉ đơn giản là mọi thứ đến rất tự nhiên. Mỗi khi lên miền núi đều cảm thấy như đi về nhà mình vậy. Một số người bạn của tôi bảo, có lẽ kiếp trước tôi là người miền núi và làm nghề dệt thổ cẩm. Khi bắt tay vào nghề thổ cẩm tôi cũng thấy nó thân thuộc như mình đang làm dở việc đó, giờ làm tiếp, và nó cứ thế cứ thế cho đến tận bây giờ…”

Không gian trưng bày một số vật dụng, trang phục của đồng bào Tây Bắc tại "Chie Tây Bắc".

Trương Thu Thủy sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình công nhân. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Thủy học điêu khắc nhưng rồi cô phải bỏ dở giữa chừng vì điều kiện gia đình. Tuy phải xa giảng đường nhưng chưa bao giờ Thủy ngừng theo đuổi ước mơ về một chân trời nghệ thuật và những điều mình khát khao xây dựng một "thế giới" của riêng mình tưởng tượng và ấp ủ.

Duyên may đến với Thủy khi năm 2009 cô được nhận vào làm việc ở Dự án Xúc tiến ngành nghề nông thôn Tây Bắc do tổ chức Jica Nhật Bản tài trợ cho bà con dân tộc Lào ở Na Sang (Điện Biên), người Thái ở Than Uyên (Lai Châu), Mộc Châu (Sơn La), người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình). Công việc của Thủy là cắm bản, hướng dẫn bà con phối màu cho lớp dệt và hướng dẫn bà con may sản phẩm từ vải dệt ra. Thời điểm đó, bà con đã bỏ dệt gần hết, do dệt ra cũng không dùng đến, du lịch chưa phát triển, sản phẩm nghèo nàn, chất lượng thấp.

Sau 3 năm “cắm bản” cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, các sản phẩm dệt may của đồng bào đã được khách hàng đón nhận, bà con vô cùng hào hứng vì vừa khôi phục truyền thống, vừa có thêm thu nhập. Tuy nhiên thời gian của dự án chỉ có 3 năm, nếu dừng lại thì khả năng cao là mọi thứ lại quay về như cũ. Các chuyên gia trong dự án và Thủy đều rất trăn trở.

Với tâm hồn khát khao về một thế giới sống đầy ước mơ, lại mê mẩn với tấm thổ cẩm, với ruộng lúa, cánh đồng, với sắc màu thôn bản, cộng với tình cảm ấm áp của bà con, Trương Thu Thủy suy nghĩ phải làm được điều gì đó. Để rồi sau đó, vào năm 2011, Thủy quyết định mở một cửa hàng nhỏ ở Hà Nội để nối dài những bước đi của nghề dệt thổ cẩm. Thủy đặt tên cửa hàng là Chie, một cái tên phổ biến trong tiếng Nhật cũng là để nhớ về sự giúp đỡ tuyệt vời của các chuyên gia Nhật ấy. “Dù pù dù pà” theo tiếng Thái nghĩa là ở rừng ở núi. Vì thế “Chie – dù pù dù pà ơi” chính thức trở thành tên doanh nghiệp xã hội do Trương Thu Thủy dẫn dắt ra đời.

Cái “loong”, một “nhạc cụ” rất độc đáo của bà con người Thái Tây Bắc với phần rộng để đập lúa, phần cối nhỏ để giã gạo, lúc nông nhàn có thể dùng chày gõ xung quanh theo nhịp điệu.

Nói vậy, không phải con đường cứ rộng mở để “Chie – Dù pù dù pà ơi”có thể bước thênh thang cho hương sắc Tây Bắc lan tỏa ở thủ đô và vươn tới bạn bè quốc tế. Để có được như ngày hôm nay, “Chie – Dù pù dù pà” đã phải vượt qua rất nhiều thách thức. Nhưng chính vào những lúc khó khăn ngập đầu thì Thu Thủy lại có suy nghĩ khá lạ lùng: “Nếu khó khăn quá thì lại tự nhủ, 'Thôi, không nghĩ nữa mà cứ làm thôi'…"

Với ý chí “cứ làm thôi” khiến chị nhiều lần phải bán đi chiếc xe máy - tài sản lớn nhất của mình lúc ấy, rồi vay mượn, rồi lặn lội bao nhiêu lần đi đi về về các bản làng, vừa tìm hiểu vừa "cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con làm sản phẩm mới. Dần dà tay nghề bà con chắc hơn, Thủy chọn mỗi hợp tác xã 2,3 chị em, đưa về Hà Nội, ăn ở và học mẫu mới tại nhà của Thủy. Sau đó các chị em lại về hướng dẫn lại cho chị em ở bản. Cứ thế, bà con sản xuất, rồi gửi xe khách về Hà Nội cho Thủy bán. Và tới giờ thì chỉ cần gửi ảnh, gửi bản vẽ là bà con có thể làm ra sản phẩm mới.

Cứ có dịp là Thủy lại làm bạn với bà con, hoặc mỗi khi có hội chợ, triển lãm, Thủy lại đi hỗ trợ bà con bày biện, đón tiếp khách hàng, phiên dịch, giới thiệu, bán sản phẩm giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định và chuyên tâm với nghề dệt may thổ cẩm. Không chỉ có thế, Thủy còn lan tỏa tình yêu thổ cẩm tới nhiều bạn bè, đối tác.

Chị Trần Thảo Miên, nhà thiết kế độc lập tại Hà Nội, một trong những đối tác của Chie chia sẻ: “Mỗi lần đến nhà chị Thủy để chọn vải hay cầm một sản phẩm gì đó, chị luôn kể những câu chuyện về nó. Thậm chí mỗi một họa tiết trên thổ cẩm cũng chứa đựng những ý nghĩa đặc biệt. Từ mỗi sản phẩm của 'Chie Tây Bắc' chúng tôi cảm thấy mình được đi xa hơn thêm một chút, được khám phá những điều mới thú vị. Sau khi được chị Thủy chia sẻ những câu chuyện tôi cũng muốn đi đến những nơi đó và muốn rủ thêm thật nhiều người đến để nghe chị Thủy kể chuyện thổ cẩm. Chính chị Thủy và tình yêu Tây Bắc trong chị đã thôi thúc tôi làm thêm những sản phẩm thân thiện với môi trường, truyền cảm hứng vào những thiết kế của tôi...”

Mô hình “gác bếp” thường thấy ở vùng cao, có thịt sấy, một số gia vị bảo quản khô được treo ở đây. Các vật dụng tre nứa được gác ở đây để “hun khói”, vừa đẹp vừa bảo quản được lâu, không bị mối mọt.

Hiện nay, với sự nối dài của “Chie – Dù pù dù pà ơi”, sản phẩm bà con làm ra đã theo chân mọi người tỏa đi khắp nơi, chinh phục được cả những khách hàng khó tính trong và ngoài nước. 

Bên bàn trà nhỏ tại 66 Hàng Trống, Hà Nội, cạnh những tấm vải vẽ sáp ong còn dang dở... nhà sưu tầm Trương Thu Thủy say mê giới thiệu từng hiện vật chị đã yêu quý đem về qua các chuyến ăn rừng, ở bản hàng chục năm qua và nâng niu cất giữ. Chị chia sẻ về những dự định mở một trung tâm văn hóa Tây Bắc tại Hà Nội để tiếp tục nâng bước cho những sản phẩm thủ công truyền thống, cùng những nét tinh hoa văn hóa của miền Tây Bắc lan tỏa và vươn xa hơn. 

Không chỉ giới thiệu các sản phẩm mang phong vị Tây Bắc, "Chie Tây Bắc" còn tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm quảng bá rộng rãi nét đẹp văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ví dụ như triển lãm “Của để dành”, trưng bày "Nét chạm thời gian" và talkshow "Ý nghĩa của lễ buộc chỉ cổ tay và tục cưới hỏi của người dân tộc thiểu số"… thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ.

Dù đại dịch Covid-19 xảy ra khiến "Chie Tây Bắc" phải hoạt động cầm chừng, nhưng không vì thế mà chùn bước. Trương Thu Thủy khẳng định “Qua nhiều năm gắn bó, tôi thấy đồng bào cũng yêu truyền thống và khát khao giữ gìn. Một dân tộc phải có văn hóa, bởi đó là gốc rễ, nếu mất bản sắc, họ sẽ bị lẫn với dân tộc khác. Và tôi luôn tin, bản sắc văn hóa của đồng bào sẽ luôn có sức sống”.

Nếu chưa có dịp lên vùng núi Tây Bắc, bạn có thể ghé "Chie Tây Bắc" 66 Hàng Trống, Hà Nội để vừa có thể lựa chọn cho mình những sản phẩm tinh tế như váy, áo, túi xách, balo, hay những sản phẩm lưu niệm ý nghĩa... vừa được tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào và nghe những câu chuyện thú vị về vùng Tây Bắc đầy huyền thoại./.

Thu Hà

 

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục