Tin tức - Sự kiện

Việt Nam, Lào và Campuchia tìm cách thúc đẩy du lịch “Một hành trình, ba điểm đến”

Cập nhật: 26/02/2024 11:52:34
Số lần đọc: 801
Với kỳ vọng mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch liền mạch và độc đáo, sáng kiến “Một hành trình, ba điểm đến” đã được lãnh đạo ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đưa ra thảo luận bên lề các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm ngoái. Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng tuyên bố nước này sẽ tổ chức một hội nghị các bộ trưởng du lịch của ba nước để phát triển các nỗ lực chung.


Một hành trình du lịch Việt Nam - Lào - Campuchia sẽ mang lại những trải nghiệm đa dạng cho du khách. Ảnh minh họa: iStock

Thực tế, các tour “ba điểm đến” này đã được nhiều công ty du lịch triển khai một thời gian. Là ba quốc gia có chung đường biên giới với những thế mạnh bổ trợ lẫn nhau, du lịch Việt Nam - Lào - Campuchia sẽ mang lại những trải nghiệm đa dạng cho du khách thông qua sự kết hợp giữa di sản lịch sử, văn hóa và thiên nhiên.

Lào nổi tiếng với bầu không khí yên tĩnh và di sản văn hóa sôi động, trong khi Campuchia có những ngôi chùa cổ kính và những điểm đến tâm linh phong phú, còn Việt Nam có sự kết hợp giữa các thành phố nhộn nhịp và kỳ quan thiên nhiên nằm giữa các vùng nông thôn thanh bình, bên cạnh những bờ biển dài tuyệt đẹp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch cho biết các yêu cầu về thị thực vẫn là một trong những rào cản cần vượt qua để thúc đẩy du lịch ba quốc gia này thành công.

Các công ty lữ hành đang kêu gọi một quy trình cấp thị thực hợp lý hơn, trong đó ba nước sẽ công nhận thị thực lẫn nhau, tiêu chuẩn hóa thủ tục xin thị thực, có cơ cấu phí thị thực thống nhất và sử dụng cơ sở dữ liệu chung để trao đổi thông tin.

Nhiều người ví đây như một phiên bản quy mô nhỏ hơn của thị thực một lần kiểu Schengen mà ASEAN đã lên kế hoạch dành cho du khách ngoài ASEAN trong hơn một thập kỷ qua, nhưng hiện vẫn chưa có bước đột phá vững chắc. Mặc dù chương trình này sẽ mang lại những lợi ích rõ ràng cho ngành du lịch khu vực, nhưng nó đã bị đình trệ do những lo ngại về an ninh và khó khăn trong quản lý nhập cư.

Trao đối với Business Times, ông Phạm Hà, người sáng lập và là CEO của LuxGroup - công ty điều hành một số công ty lữ hành cao cấp tại Việt Nam, cho biết: “Một chương trình thị thực đơn giản, linh hoạt hoặc một thị thực chung là giấc mơ của các công ty lữ hành như chúng tôi… Nếu điều này thành hiện thực, chúng tôi có thể thiết kế các hành trình dài ngày hơn, liền mạch và đa dạng hơn trên cả ba quốc gia. Điều này sẽ khiến một chuyến du lịch ba nước trở thành ý tưởng hàng đầu của du khách nước ngoài khi họ nghĩ đến việc đến thăm Đông Nam Á”.

Với dân số khoảng 685 triệu người, Đông Nam Á phụ thuộc rất nhiều vào ngành lữ hành và du lịch để tăng trưởng. Lĩnh vực này chiếm 12% GDP của khu vực trước đại dịch COVID-19, với hơn 136,9 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019.

Majo George, giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng “những nỗ lực chung trong lĩnh vực du lịch không chỉ hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, bảo tồn di sản văn hóa và quảng bá bản sắc đa dạng của các quốc gia này trên trường quốc tế. Đồng thời, nó cũng nâng cao danh tiếng chung của ba nước trên thị trường du lịch toàn cầu để thu hút lượng khách du lịch lớn hơn”.

Theo ông, trọng tâm không chỉ là các điểm đến mà còn là việc kết hợp các yếu tố du lịch lại với nhau thành một trải nghiệm hài hòa và thuận lợi cho du khách. Ngoài ra, cần phát triển kết nối cơ sở hạ tầng đồng bộ, thiết kế và bảo trì hợp lý để mang lại trải nghiệm tích cực, liền mạch cho du khách.

Tố Quyên (Lược dịch từ Business Times)

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 24/02/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT