Việt Trì (Phú Thọ) - phát triển đô thị gắn với bảo tồn văn hóa
Xây dựng hạ tầng, nâng tầm đô thị
Là vùng đất từng chịu sự tàn phá bởi chiến tranh phá hoại của Mỹ, sau khi thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập, Việt Trì đã có sự phát triển toàn diện để trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh; chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững mạnh. Để nâng tầm đô thị, thành phố đã xây dựng Đề án “Xây dựng đô thị văn minh - văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì giai đoạn 2016-2020”.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những năm gần đây Việt Trì ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên vùng và liên kết các khu chức năng. Đặc biệt, tập trung nâng cấp các đường vành đai và các tuyến phố chính, đường vào các khu dân cư; trong đó quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị. Cấu trúc đô thị được chia thành 12 phân khu với trọng tâm là xây dựng trục phát triển với trục chính lễ hội, kết nối không gian đô thị từ cửa ngõ phía Nam thành phố đến khu di tích lịch sử Đền Hùng; hai trục còn lại hướng song song gắn với khai thác, tổ chức không gian của tuyến đường sắt và nút cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi qua địa bàn tỉnh; tiến hành mở rộng đô thị ở vùng ven sông Lô để khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên nhằm tạo dựng không gian đô thị liên hoàn, sinh động và phong phú.
Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều khu đô thị mới và hàng chục tuyến đường giao thông nội thành như: Nguyễn Du, Hòa Phong, Vũ Duệ kéo dài; Trường Chinh, Phù Đổng, Vũ Thê Lang; hiện đại hóa đường Hùng Vương và các tuyến đường: Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Châu Phong…; tạo liên kết giao thông với Quốc lộ 2, Quốc lộ 32C, cầu Hạc Trì, nút giao IC7 cao tốc Nội Bài - Lào Cai… góp phần mở rộng giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng dịch vụ, du lịch được đầu tư, trong đó có Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Quảng trường Hùng Vương, Khu du lịch Văn Lang, Trung tâm thương mại BigC, Vincom, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn- Phú Thọ; Chợ trung tâm…; hình thành các tuyến phố đi bộ khu vực Quảng trường Hùng Vương, phố ẩm thực đường Nguyễn Du…
Có thể khẳng định, thành phố đã và đang khai thác mọi nguồn lực đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, kết hợp với kiến trúc đô thị truyền thống, giàu bản sắc văn hóa, tạo sự gắn kết giữa 2 đề án “Xây dựng đô thị văn minh - văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì giai đoạn 2016-2020” với “Xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Việc thực hiện đề án phải đi đôi với đảm bảo các tiêu chí của một thành phố sinh thái, du lịch, bảo vệ môi trường - những tiêu chí cần thiết để Việt Trì trở thành thành phố lễ hội.
Bảo tồn văn hóa, xây dựng thành phố lễ hội
Theo quy hoạch, toàn bộ không gian, kiến trúc, hạ tầng đô thị của thành phố lễ hội sẽ được mở rộng phát triển theo hướng hiện đại, khang trang, xanh, sạch, đẹp. Trong quá trình đô thị hóa, xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc, Việt Trì luôn chú trọng bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cùng các di tích, danh thắng, lễ hội dân gian; trong đó có Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Đề án “Xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030” có 8 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Tập trung xây dựng không gian thành phố lễ hội tại 3 khu vực chính Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Trung tâm thành phố Việt Trì và Bến Gót - Bạch Hạc; xây dựng không gian trung tâm lễ hội các khu vực, xã phường được gắn liền với các trung tâm công cộng, các điểm lễ hội tại khu dân cư; bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể thời kỳ Hùng Vương và các tài nguyên văn hóa truyền thống của dân tộc để trở thành các hoạt động lễ hội, nghiên cứu, phục hồi và tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống, các điển tích lịch sử, các trò chơi dân gian có ý nghĩa giáo dục và nghệ thuật cao; tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống, các khu phố ẩm thực, cải thiện, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố lễ hội…
Với thành tựu đạt được và tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền thành phố, mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam vào năm 2020, điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế./.