Hội thảo khoa học quốc tế về giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh
Hội thảo dự kiến có sự tham dự của khoảng hơn 500 chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Hội thảo gồm phiên khai mạc chung, phiên văn hóa Sa Huỳnh, phiên di sản địa chất, phiên thảo luận chung và bế mạc. Đến thời điểm này, Ban tổ chức đã nhận được 66 bài viết và tham luận về văn hóa Sa Huỳnh, về di sản địa chất, quản lý, bảo tồn di sản, đa dạng sinh học…, các tài liệu được dịch sang 2 thứ tiếng Việt - Anh.
Tại Hội thảo, sẽ có 12 gian trưng bày các Công viên địa chất ở Việt Nam, các sản phẩm địa phương, các công ty lữ hành và các cơ sở lưu trú. Ban Tổ chức cũng sẽ chọn 60 ảnh để tổ chức trưng bày. Các ấn phẩm tuyên truyền như băng rôn, sách giới thiệu về Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đến nay đã được chuẩn bị chu đáo. Clip trình chiếu trong thời gian diễn ra hội thảo để giới thiệu Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cũng đang được xây dựng và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng trailer quảng bá Hội thảo phát trên kênh PTQ.
Ban Tổ chức Hội thảo cũng cho biết các hoạt động bên lề như: Giải bóng đá mi ni tranh cúp Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh diễn ra từ ngày 10- 16/6/2019.
Theo thống kê, đến thời điểm này, các chuyên gia đã xác định có khoảng 90 di sản nằm trong công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Các điểm di sản này được phân bổ trên 4 tuyến hội tụ với nhau tạo nên diện mạo "Miền đất của những chuyển động". Đây chính là chủ đề của công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Trong đó, tuyến phía đông (Bí ẩn nơi đảo thiêng), với 30 điểm di sản địa chất, văn hóa đan xen và tích hợp lẫn nhau là chuyến hải trình tham quan đảo Lý Sơn, được xem là vùng lõi của công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh; tuyến phía tây (Vũ điệu thời gian) thuộc vùng đại ngàn của hương quế Trà Bồng, là vũ điệu của lục địa cổ, của các lớp thạch quyển nâng lên, hạ xuống, của các lớp đá biến chất va chạm vào nhau trong quá trình kiến tạo; tuyến phía nam (Hành trình về những nền văn hóa cổ), là không gian xưa ẩn hiện dấu tích của các nền văn hóa rực rỡ một thời: văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm pa.
Đặc biệt, kho chum Sa Huỳnh được phát hiện quanh đầm nước ngọt An Khê không chỉ hé lộ việc cư dân Sa Huỳnh cổ sống chủ yếu bằng nghề nông và đi biển, có nền sản xuất hàng hóa, giao thương khá phát triển mà còn khẳng định một tục táng khu biệt rất điển hình. Cuối cùng là tuyến phía bắc (Tiếng vọng của biển và ký ức chiến tranh), nơi được xem là nghĩa địa tàu cổ đắm, con đường gốm sứ trên Biển Đông...