Móng Cái: Quan tâm tới du lịch văn hóa tâm linh
Lễ hội Đình Trà Cổ từ lâu đã trở thành điểm hẹn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Có dịp đến Móng Cái, du khách đừng bỏ qua cơ hội được vãn cảnh, cầu an tại những ngôi đền, mái đình và những chùa cổ linh thiêng như: Đền Xã Tắc, đình Trà Cổ, chùa Nam Thọ, chùa Xuân Lan...
Đền Xã Tắc là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất ở TP Móng Cái, đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử từ năm 2005. Nằm ở cạnh ngã ba sông biên giới Việt - Trung, đền Xã Tắc khắc ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta trấn yên bờ cõi và khẳng định những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân đất Việt. Với giá trị lịch sử khẳng định độc lập chủ quyền dân tộc, khẳng định những nét đặc trưng riêng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam và như một cột mốc văn hóa nơi biên ải, đền Xã Tắc trở thành điểm đến tâm linh đối với nhân dân và du khách khi đặt chân tới Móng Cái.
Đình Trà Cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê, tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ. Đình là công trình mang đậm dấu ấn đặc trưng của kiến trúc người Việt và được xem là một trong những cột mốc văn hóa thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc. Lễ hội đình Trà Cổ được khôi phục từ năm 1993 và được tổ chức thường niên, là dịp để tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân, các vị anh hùng dân tộc đã có công dựng làng, lập ấp, đánh đuổi giặc ngoại xâm; giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Lễ hội Đình Trà Cổ từ lâu đã trở thành điểm hẹn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của đình.
Cũng nằm ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, chùa Nam Thọ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16 và đã trải qua nhiều lần đại trùng tu, nhưng vẫn giữ được nét bề thế, trang trọng. Đặc biệt, chùa Nam Thọ còn lưu giữ được hệ thống tượng Phật quý hiếm, được chạm trổ tỉ mỉ, đậm đà bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Chùa Xuân Lan tọa lạc trên một mảnh đất cao ráo, thoáng đãng, phía trước chùa là một hồ nước hình bán nguyệt và con sông Ka Long uốn lượn. Theo các cụ già trong làng thì chùa được xây dựng trên trán con rồng và mắt rồng là ao trước cửa chùa. Dòng sông Ka Long bắt nguồn từ Trung Quốc chảy thẳng vào cửa chùa rồi ngưng lại uốn khúc ở đó để tụ lại nguồn khí thiêng nơi địa đầu Tổ quốc. Bởi thế mà từ rất lâu đời, ngôi chùa đã đi sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây như một điều rất linh thiêng và gắn bó.
Theo Đề án phát triển sản phẩm du lịch TP Móng Cái giai đoạn 2014-2020, định hướng 2030 thì du lịch văn hóa, tâm linh là một sản phẩm du lịch hấp dẫn và có vị trí quan trọng trong việc thu hút du khách. Để phát triển sản phẩm du lịch này, trong thời gian qua, TP Móng Cái đã quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Theo đó, thành phố đã hoàn thiện hồ sơ khoa học xếp hạng cấp tỉnh cho di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Móng Cái (nay là TP Móng Cái). Đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai công tác tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích như: Dự án phục hồi chùa Linh Sơn, chùa Vạn Ninh, đình Bình Ngọc, tu bổ, tôn tạo chùa Xuân Lan, chùa Nam Thọ; xây dựng nhà thờ Trà Cổ; hướng dẫn chủ đầu tư lập, trình phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo đình Dân Tiến; Đồn Biên phòng 209 - Pò Hèn. Thành phố cũng phối hợp triển khai dự án xây dựng, khánh thành nhà bia lưu niệm và phương án sưu tầm các tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày tại Nhà bia lưu niệm sự kiện Bác Hồ qua Trạm hải quan Bắc Luân; đôn đốc các địa phương, đơn vị xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý di tích; tổ chức Hội thảo khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử đền Xã Tắc và triển khai các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích đền Xã Tắc; quản lý hoạt động của 8 lễ hội truyền thống và các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố...