Hoạt động của ngành

Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái ở TP Hồ Chí Minh

Cập nhật: 12/06/2019 10:41:28
Số lần đọc: 986
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, là nơi hội tụ nhiều loại hình du lịch đặc sắc như du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch văn hóa-di tích lịch sử, du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực...


Du khách các nước châu Âu, Australia, Hong Kong, Singapore... rất thích tới Làng rau sạch học làm nông dân. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á, thành phố đang nỗ lực đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách ở các phân khúc khác nhau.

Du lịch nông nghiệp, sinh thái là một trong những loại hình du lịch được các ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch và cả người dân thành phố cùng vào cuộc xây dựng, phát triển với nhiều giải pháp linh hoạt và phù hợp.

Phóng viên TTXVN đề cập nội dung này qua hai bài viết với chủ đề du lịch nông nghiệp, sinh thái - một loại hình du lịch mũi nhọn của Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài 1: Phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch

Với 5 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và một số quận lân cận như 9, 12, Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái.

Ngành du lịch thành phố đã xác định, du lịch nông nghiệp, sinh thái là một trong những loại hình du lịch hấp dẫn, mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách trong và ngoài nước.

Việc xây dựng, phát triển loại hình du lịch này cũng phù hợp với định hướng của thành phố đối với phát triển nông nghiệp là chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị.

Thuận lợi trong phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố có diện tích đất nông nghiệp 114.580ha (chiếm khoảng 54,68% tổng diện tích đất tự nhiên); trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 66.000 ha, chủ yếu được phân bố tại 5 huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn đã được các cấp, các ngành của thành phố chú trọng đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực. Các chương trình của thành phố về phát triển kinh tế-xã hội ngoại thành được triển khai hiệu quả. Thành phố đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn.

Nhiều dự án đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân được triển khai thực hiện.

Thành phố xác định sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ. Hoa, cây kiểng là một trong những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch thành phố xây dựng, phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đồng thời, các chủ nhà vườn ở khu vực các huyện ngoại ô thành phố có thể nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát triển các vườn hoa, cây kiểng, nuôi cá, nuôi bò sữa trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng cho khách du lịch.

Mới đây, tại Lễ khai mạc Festival Hoa lan 2019 của Thành phố Hồ Chí Minh, đề cập về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp từ các nhà vườn trồng hoa lan, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh diện tích trồng lan các loại tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 63 ha vào năm 2006, đã tăng lên 375 ha vào cuối năm 2018; cung ứng ra thị trường 80 triệu cành lan và trên 5 triệu chậu lan các loại.

Lan nhiệt đới trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của thành phố cùng với cây rau, cây kiểng, bonsai...

Hiện nay, với chủ trương và các chính sách khuyến khích của thành phố, nghề trồng lan nhiệt đới được tạo điều kiện để phát triển và đang dần hình thành là một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng của thành phố. Nhiều nhà vườn trồng lan cũng hứa hẹn là điểm du lịch sinh thái thân thiện, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Nhiều điểm đến được khảo sát, kết nối

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách, công tác khảo sát, kết nối các điểm đến du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn mới, sinh thái đã được các ngành du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương và nhiều doanh nghiệp lữ hành triển khai.

Chẳng hạn, huyện Củ Chi đã có một số điểm đến du lịch gắn với các giá trị lịch sử văn hóa, xây dựng nông thôn mới được khảo sát, như: Nông trang Xanh Green Noen-khu di tích địa đạo Củ Chi, bến Dược-bến Đình-làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông.

Các doanh nghiệp lữ hành đã kết nối, triển khai một số chương trình du lịch kết hợp tham quan các nhà vườn sinh thái nông nghiệp ở Củ Chi như vườn kiểng Minh Tân, vườn hoa lan, làng rau sạch Củ Chi.

Tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè..., Sở Du lịch phối hợp với các doanh nghiệp du lịch sinh thái tổ chức đoàn khảo sát một số điểm tuyến du lịch như vườn cây kiểng bonsai, vườn hoa lan, làng trồng hoa.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chủ động và phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp để khai thác, đưa vào phục vụ du khách một số chương trình tham quan như: tuyến du lịch trải nghiệm tại Nông tranh Xanh Green Noen ở Củ Chi, tuyến du lịch đảo Thanh An (huyện Cần Giờ); tuyến du lịch đường thủy từ bến Bạch Đằng đi huyện Nhà Bè...; tuyến du lịch đường thủy đến Trung tâm triển lãm Yến Sào ở huyện Cần Giờ-Khu Du lịch sinh thái Dần Xây (huyện Cần Giờ)-Khu Du lịch Vàm Sát (huyện Cần Giờ).

Trong những ngày diễn ra Festival Hoa lan của Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, doanh nghiệp Lữ hành Saigontourist đã có tour du lịch nông nghiệp đi Địa đạo Củ Chi-vườn lan-vườn nấm trong thời gian 1 ngày, tạo thuận lợi cho nhiều du khách đến tham quan Festival Hoa lan và sau đó về ngoại ô thành phố, để có thêm những trải nghiệm thú vị tại vườn trồng hoa, trồng nấm.

Để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng, thời gian tới, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục khảo sát, hỗ trợ các điểm đến hoàn thiện điểm đến, hình thành sản phẩm và dịch vụ du lịch; kết nối các điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành.

Đồng thời, ngành du lịch thành phố sẽ tổ chức cho các hộ dân có tiềm năng và có nhu cầu phát triển du lịch homestay học tập mô hình tại một số địa phương lân cận./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục