Hoạt động của ngành

Vĩnh Phúc: Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch sau dịch Covid-19

Cập nhật: 30/04/2020 09:25:00
Số lần đọc: 1088
Ngay sau khi có Công văn số 3016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh sau ngày 22/4, trong đó, cho phép mở cửa các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, Sở VH-TT&DL đã có kế hoạch tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đối với thị trường du lịch nội địa, tạo hình ảnh và giới thiệu du lịch Vĩnh Phúc trong điều kiện dịch Covid-19 đang dần lắng xuống.

Khu danh thắng Tây Thiên tăng cường quảng bá đón du khách trở lại sau dịch Covid-19.

Hiện nay, Vĩnh Phúc được xếp trong nhóm các tỉnh, thành có nguy cơ thấp về dịch Covid-19, khi dịch bệnh lắng xuống, nhiều dịch vụ đã được tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh trở lại, trong đó có du lịch.

Cũng từ ngày 24/4, một số điểm, khu du lịch của tỉnh đã mở cửa chào đón du khách. Khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên đã có nhiều cách quảng bá hấp dẫn, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ tốt nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch an toàn.

Đồng chí Đỗ Hoàng Dương, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT&DL cho biết: “Với Vĩnh Phúc, hầu hết các điểm, khu du lịch đã chuẩn bị đầy đủ phương án mở cửa đón khách gắn với tuyên truyền, quảng bá. Tuy nhiên, do tâm lý còn e ngại dịch bệnh, lượng khách sẽ tới một cách khiêm tốn, dè dặt. Đây cũng chính là khó khăn của các doanh nghiệp sau khi được nới lỏng giãn cách xã hội. Lúc này, các khu du lịch cần tập trung chiến lược quảng bá, xúc tiến để từng bước đón khách trở lại”.

Đại diện truyền thông Tập đoàn Flamingo Đại Lải cho biết: "Để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất phục vụ du khách khi trở lại Vĩnh Phúc, đến ngày 30/4, Flamingo mới mở cửa đón khách. Trong thời gian này, tập đoàn tập trung xây dựng các chương trình quảng bá, kết nối với các hãng hàng không nội địa, tour du lịch... để khách du lịch yên tâm đến với Đại Lải".

Nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, ngành Văn hóa đã đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến theo sản phẩm du lịch; xây dựng nội dung xúc tiến du lịch đối với thị trường trong và ngoài nước; xây dựng kịch bản để tổ chức hợp lý các sự kiện, hoạt động du lịch quan trọng, tạo hình ảnh, quảng bá, giới thiệu du lịch Vĩnh Phúc, từ đó, phục hồi hoạt động du lịch sau dịch Covid-19.

Trong tháng 4/2020, Sở VH-TT&DL phối hợp với Trung tâm Thông tin, Tổng Cục Du lịch tạo lập kênh thông tin, khớp nối hiệu quả về thông tin, dữ liệu trên phần mềm cơ sở dữ liệu du lịch; tìm hiểu nội hàm các chỉ số thành phần, cách thức đánh giá, tiêu chí và nội dung đánh giá theo WEF; xây dựng tài liệu hướng dẫn về bộ chỉ số, các nhóm, thành phần cùng mục tiêu và mẫu biểu thu thập thông tin về du lịch để thống nhất cách hiểu và triển khai thu thập số liệu định kỳ.

Cùng với đó, báo cáo UBND tỉnh ban hành Đề án “Xây dựng Khu du lịch Tam Đảo và Khu danh thắng Tây Thiên đồng bộ, hiện đại cơ sở hạ tầng và văn minh, trật tự, an ninh, an toàn”; có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển du lịch; tiếp tục đề xuất chính sách tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển thương hiệu du lịch, gồm nâng cao năng lực, phát triển và duy trì các hoạt động liên quan theo định hướng các giá trị thương hiệu du lịch.

Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, tăng cường xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia tích cực trong công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu để thu hút khách du lịch. Nghiên cứu, thành lập hệ thống chuyên trách quản trị thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc đảm bảo năng lực thực hiện từ tỉnh đến huyện và huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển, xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch.

Vĩnh Phúc là điểm đến an toàn, vì vậy, Ban quản lý các khu du lịch, doanh nghiệp… cần chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức. Đồng thời, hình thành liên kết kích cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, nhà hàng, khách sạn để giới thiệu về những điểm đến, các gói sản phẩm, dịch vụ khuyến mại, ưu đãi… nhằm thu hút du khách quay trở lại sau mùa dịch.

Bài, ảnh: Thu Thủy


 

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục