Xây dựng văn hóa ứng xử trong phát triển du lịch ở Đồng Văn
Khách du lịch trải nghiệm các trò chơi truyền thống tại Làng văn hóa du lịch tiêu biểu thôn Ma Lé, xã Má Lé.
Khi dịch bệnh Covid-19 dần ổn định, người dân trên khắp cả nước bắt đầu những chuyến du lịch để nghỉ ngơi sau quãng thời gian dài làm việc. Tại huyện Đồng Văn những ngày này, ở các điểm du lịch như: Dinh thự nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn,… trở nên huyên náo, đông đúc, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Người dân từ mọi miền đất nước đổ về Cao nguyên đá với sự hào hứng, vui vẻ. Lựa chọn điểm đến cho chuyến hành trình của mình là Cao nguyên đá Đồng Văn, gia đình anh Nguyễn Minh Thành, 31 tuổi, sinh sống tại Hà Nội cho biết: Đây là lần thứ 5 tôi đến với Hà Giang, những lần trước là khi tôi còn độc thân, và giờ khi đã có gia đình tôi tiếp tục đưa vợ, con mình tới trải nghiệm. Ở Đồng Văn luôn có một thứ gì đó cuốn hút, khiến tôi phải trở lại. Với tôi, đó là mảnh đất địa đầu hùng vĩ, tuy còn nhiều gian khó nhưng con người lại vô cùng thân thiện, hiền hòa.
Đó chỉ là một trong nhiều nhận xét tích cực của du khách về mảnh đất Đồng Văn. Có thể thấy du lịch Đồng văn đã và đang có sức hút vô cùng lớn. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện đã nỗ lực không ngừng, từng bước xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn hóa. Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, huyện luôn chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp: Có năng lực, có văn hóa, ứng xử tốt. Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử về văn hóa du lịch đối với tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động phục vụ du lịch. Trong đó, có các quy định như: Ứng xử đúng mực, tôn trọng khách; có thái độ thân thiện, niềm nở khi phục vụ khách; biết lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu ý kiến của khách; giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, tạo cảnh quan xanh- sạch- đẹp tại các khu vực du lịch. Đồng thời nghiêm cấm các hành động: Phân biệt đối xử với khách du lịch; đeo bám, chèo kéo, làm phiền du khách; lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để hoạt động kinh doanh…
Đối với khách du lịch cũng có những quy định chung như: Trang phục lịch sự và phù hợp với điểm tham quan du lịch, nhất là khi đến những nơi tôn nghiêm như đền thờ, chùa, miếu, nghĩa trang liệt sĩ, lễ hội truyền thống; có ý thức và trách nhiệm bảo vệ cảnh quan, môi trường tự nhiên. Không gây ồn ào làm ảnh hưởng đến những người xung quanh; vứt rác bừa bãi, đi vệ sinh không đúng nơi quy định; hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp lên bãi cỏ tại các khu, điểm du lịch và nơi công cộng.
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để ngành Du lịch huyện phát triển, sự đầu tư về cơ sở vật chất, chú trọng gìn giữ văn hóa truyền thống là điều cần thiết, tuy nhiên, để phát triển một cách toàn diện thì ứng xử văn hóa là một yếu tố quan trọng. Bởi trên thực tế, có rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước cũng như trên thế giới nhưng bị đánh giá thấp về văn hóa ứng xử trong du lịch. Bên cạnh những quy tắc ứng xử chung của ngành Du lịch, huyện cũng có những quy định phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Ví dụ như, trong việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho người bản địa, có hiểu biết về văn hóa của đồng bào, tạo sự gần gũi cho du khách. Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, tình nguyện viên nhí là các em học sinh. Vào những ngày cuối tuần, đội ngũ này sẽ có mặt tại các điểm du lịch để dẫn đường, hướng dẫn du khách vứt rác đúng nơi quy định,... Đây cũng là hình thức giúp học sinh tìm hiểu văn hóa cũng như có những trải nghiệm thực tế, mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Với sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình của người dân và sự hưởng ứng của du khách, tin tưởng rằng Đồng Văn luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, trở thành một điểm du lịch đáng nhớ.