Xuân về hội đình Ba Chãng - Yên Bái
Người dân tham gia các trò chơi dân gian tại hội đình Ba Chãng, Phúc An.
Chào đón xuân mới, đồng bào Cao Lan ở Phúc An không chỉ tất bật, rộn ràng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, mà còn chuẩn bị cho lễ hội mở cổng làng - lễ hội khai xuân mở đình đầu tiên trong năm của đình Ba Chãng.
Được hình thành vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đình Ba Chãng là nơi ghi dấu mốc lịch sử về thời gian di cư của người Cao Lan từ huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đến lập làng định cư tại vùng đất này. Theo tư liệu nhân dân cùng những chia sẻ của người trông coi đình Lý Văn Công và thầy cúng Lý Văn Viên - hậu duệ đời thứ 3 của những vị thủy tổ lập nên ngôi đình và làng thì năm 1926, cụ ông Lý Vân Cung đưa theo vợ và 3 con trai lên định cư, cắt cỏ tranh làm nhà, sinh sống tại làng Ngòi Tha, tổng Âm Phước, phủ Toàn Thắng, tỉnh Tuyên Quang (nay là xã Phúc An, huyện Yên Bình).
Những năm đầu, cuộc sống khó khăn, rừng thiêng nước độc, mùa màng thất thu, người mắc bệnh và chết ngày càng nhiều, nhiều gia đình phải bỏ xứ đi nơi khác. Trước tình cảnh đó, cụ Lý Văn Cung và cụ Nịnh Văn Bình đã vận động dân làng dựng lên ngôi đình để thờ cúng Thổ công, Thổ địa, Thần núi.... mong được che chở, phù hộ cho mọi người được bình an. Từ khi có đình làng thì bệnh tật cũng giảm hẳn, mọi người trong làng khỏe mạnh, cuộc sống khá giả dần lên.
Đình Ba Chãng có cấu trúc hình chữ Nhất, gồm ba gian, cột gỗ, mái lợp cọ nay là mái phi broxi măng, không có tường, phía đầu hồi có ba ban thờ riêng được ghép bằng ván gỗ thành hình hộp, mỗi ban thờ có một bát nhang và một số hình chim, người cắt bằng giấy màu đỏ, xanh, trắng, không có tượng, tranh thờ. Ban thờ chính giữa thờ Thổ công, Sơn thần (Thần núi Đèo Nu và Thần núi Cao Biền- 2 ngọn núi có sự ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của toàn bộ cư dân trong vùng), hai bên thờ Thành hoàng là 2 người có công lập làng là cụ Lý Văn Cung và cụ Nịnh Văn Bình, phía cửa vào là thờ thần Nông và bên ngoài, cạnh đình có một miếu nhỏ thờ 2 nàng công chúa con gái Vua Hùng. Sau nhiều năm, đình làng đã nhiều lần bị hư hỏng và đã được trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu.
Nghi lễ mở cổng làng tại hội đình Ba Chãng.
Đình có 4 lễ lớn trong năm, gồm: Lễ mở cổng làng (mùng 2 Tết); Lễ tế thần khai xuân, khai mùa, cầu gieo trồng ngũ cốc, vạn vật (ngày 2/2 âm lịch); Lễ tế thần cầu mùa thứ 2, cầu cho nhân dân vào vụ mùa thuận lợi, bội thu (ngày 2/6 Âm lịch) và cuối cùng là Lễ dâng cơm mới hay còn gọi là lễ cúng Thần nông, tạ mùa vào ngày Rằm tháng 8.
Lễ hội mở cổng làng hay còn gọi là lễ hội khai xuân là lễ chính đầu tiên trong năm được tổ chức vào ngày mùng 2 Tết. Ông trùm Lý Văn Công là người được dân làng tin tưởng, giao cho phục vụ công tác thờ cúng tại đình. Các cụ cao tuổi trong làng ra đình từ rất sớm để quét dọn vệ sinh sạch sẽ. Theo tục lệ, ông trùm phải chuẩn bị hai mâm lễ nhỏ, gồm mâm lễ chay và mâm lễ mặn. Lễ chay gồm có một mâm ngũ quả, xôi nếp và chè; lễ mặn gồm gà trống mổ sạch luộc nguyên con, để nguyên nội tạng và một mâm xôi nếp cùng rượu trắng.
Khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, ông trùm thắp hương thay mặt cho dân làng cung thỉnh với Thành hoàng và các vị thần, làm thủ tục xin âm dương để xin phép các vị cho dân làng được mở lễ hội theo lệ hàng năm.
Đến 8 giờ sáng, bà con dân làng chuẩn bị các mâm cỗ tại gia, xin phép tổ tiên rồi từng hộ gánh lễ ra đình. Lễ vật tùy theo điều kiện từng gia đình chuẩn bị, thông thường gồm: gà, xôi, thịt, rượu. Sau khi dân làng gánh lễ ra đình, các mâm lễ được ông trùm tập hợp và chọn lựa dâng lên các ban thờ. Khi đã hoàn thành xong các thủ tục cần thiết, ông trùm và thầy cúng đại diện cho dân làng bắt đầu thực hiện nghi thức tế lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, không xảy ra thiên tai, dịch bệnh, mọi gia đình gặp may mắn, an lành, mạnh khỏe.
Đã từng tham gia Hội đình Ba Chãng, anh Nguyễn Trung Dũng - du khách Hà Nội chia sẻ: "Đến Phúc An trong ngày hội đình Ba Chãng, chúng tôi được chứng kiến nghi lễ truyền thống của người Cao Lan. Ngoài ra, chúng tôi còn được biết đến những trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, bắn nó, đầy gậy, nhảy sạp.. và hội thi hát Sình ca trong tiếng hò reo cổ vũ náo nhiệt của nhân dân. Dịp này, chúng tôi còn đến với đền, chùa thác Ô Đồ, leo núi Cao Biền ngắm cảnh đẹp của hồ Thác Bà từ trên cao và khám phá đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào các dân tộc địa phương”.
Là địa phương có nhiều tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa nên năm 2018, xã Phúc An đã được huyện Yên Bình chọn để thực hiện Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2018 - 2020”.
Ông Trần Tiến Thơm - Chủ tịch UBND xã Phúc An cho biết, để giữ gìn văn hóa truyền thống cũng như phát huy các thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch, hằng năm, xã đã tổ chức đầy đủ 4 lễ lớn của đình Ba Chãng, phần nghi thức đảm bảo trang trọng, phần hội phù hợp với điều kiện kinh tế. Xã cũng vận động nhân dân tham gia vệ sinh môi trường sống "sáng - xanh - sạch - đẹp”; tổ chức tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân; chọn những hộ có nhà sàn đủ điều kiện để xây dựng, bổ sung các hạng mục liên quan đến đón khách du lịch; tiếp tục phát triển làng nghề đan rọ tôm… để cùng với làng nghề rọ tôm Đồng Tâm - làng nghề đầu tiên của huyện Yên Bình, Phúc An sẽ trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn về thiên nhiên, văn hóa.
Minh Huyền